DSCA cho biết, báo doanh thu từ các thương vụ xuất khẩu vũ khí cho nước ngoài của nước này đạt 33,6 tỷ USD trong tài khóa 2016. Con số này thấp hơn mức kỷ lục 46,6 tỷ USD của tài khóa 2015, vốn có liên quan đến cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phó Giám đốc DSCA, Đô đốc Joseph Rixey tuyên bố việc doanh thu giảm 13 tỷ USD không được xem là một thất bại của cơ quan này. Ông Rixey nói: "Chúng tôi không coi doanh số là tiêu chuẩn mà chúng tôi đang cố gắng đạt được. Doanh thu thực ra là kết quả cơ bản của chính sách đối ngoại."
Bên cạnh đó, ông Rixey cũng lưu ý rằng toàn bộ doanh thu trong tài khóa 2016 sẽ vượt tài khóa 2015 nếu thương vụ bán các máy bay chiến đấu F-35 cho Kuwait, Qatar và Bahrain hoàn thành trong năm 2016.
Trước thực trạng của xuất khẩu quốc phòng Mỹ, trang Sputnik khẳng định, do chính sách xuất khẩu quốc phòng của Mỹ đang hại nước này. Theo thông tấn Nga, điều kiện khắt khe khi xuất khẩu cùng những ràng buộc chính trị Mỹ đặt ra đang là rào cản lớn nhất giữa khách hàng muốn tiếp cận vũ khí Mỹ.
Ngoài ra, việc mở rộng chuyển giao công nghệ của Mỹ đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng nước này có nguy cơ bị "vượt mặt" bởi các quốc gia khác - những nước đã sở hữu các bí mật quốc phòng mà không mất chi phí nghiên cứu và phát triển.
Theo bản báo cáo phân tích về ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ công bố hôm 24/5, các nhà thầu quân sự Mỹ sẽ bị các đối thủ đến từ Israel, Hàn Quốc và Brazil "vượt mặt" trong những năm tới, đánh dấu sự chấm hết thế thống trị của phương Tây trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Bản báo cáo mang tên "Động lực Hiện đại hóa Quân sự Quốc tế năm 2016", do tác giả Daniel Yoon và Doug Berenson thuộc tập đoàn tư vấn quốc phòng Avascent thực hiện, cho rằng Mỹ mở rộng xuất khẩu vũ khí đặt ra đe dọa đối với thị trường, khi các quốc gia mua vũ khí "ăn cắp" công nghệ sản xuất vũ khí mà không mất tiền nghiên cứu và phát triển.
Tình trạng này diễn ra khi ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã chuyển trọng tâm sang xuất khẩu vũ khí cho những chế độ độc tài trên khắp thế giới, như một cách để đền bù việc giảm quy mô cỗ máy chiến tranh của Mỹ sau khi rút quân khỏi Iraq và Afghanistan.
Theo báo cáo trên, "trong năm 2010, chỉ 17% thiết bị quân sự được sản xuất tại Mỹ đã được xuất khẩu; năm 2015 con số này là đã tăng vọt lên 34%".
Sputnik cho rằng, tình hình càng trầm trọng hơn khi cách tiếp cận của chính quyền ông Obama trong việc bán vũ khí, trong đó có việc thường gây rắc rối cho những yêu cầu đền bù, khiến các ngành công nghiệp vũ khí non trẻ dễ dàng "tiếp thu chuyên môn kĩ thuật của nhà các nhà cung cấp hơn".
Ngoài việc tăng trưởng nhanh chóng về chuyên môn sản xuất vũ khí tại Israel, Hàn Quốc và Brazil, Mỹ đang phải cạnh tranh với các hãng xuất khẩu vũ khí hàng đầu khác, trong đó có Nga và Trung Quốc. Giới phân tích cũng nhận định rằng, tổ hợp công nghiệp - quân sự Mỹ sẽ sớm bị mất thị phần vào tay các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ.
Báo cáo khẳng định, Israel có thể sớm trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ radar, tên lửa và máy bay không người lái. Báo cáo lưu ý rằng, thực tế các máy bay không người lái của Israel đang cạnh tranh với vũ khí Mỹ.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang để mắt tới việc gây dấu ấn trên thị trường vũ khí toàn cầu với việc phát triển một máy bay chiến đấu nội địa và một thiết kế cho máy bay T-50 thế hệ tiếp theo. Ngoài ra, Hàn Quốc còn xuất sắc trong hoạt động đóng tàu khu trục, khinh hạm, xe tấn công đổ bộ và tàu ngầm tấn công.
Ngược lại, Brazil đã để mắt tới việc chiếm hữu công nghệ bậc thấp hơn trên thị trường vũ khí, với việc hưởng mức giá ưu đãi đối với máy bay tấn công hạng nhẹ nhờ vào sự hợp tác với Saad để sản xuất máy bay Gripen.
Theo Sputnik, ưu thế quân sự của Mỹ được cho là đang bị đe dọa bởi việc gia tăng xuất khẩu công nghệ quốc phòng trên khắp thế giới. Điều này khiến một số chuyên gia phân tích lo ngại về tương lai ngành công nghiệp vũ khí Mỹ, cũng như sự an toàn và an ninh của Washington.