Gần 1.000 công dân Tajikistan "mắc kẹt" tại Moscow
Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Tajikistan Shokhin Samadi cho biết, khoảng 1.000 công dân nước này đã "mắc kẹt" tại các sân bay của Moscow, trong đó có cả những người đến học tại các trường đại học của Nga.
"Tính đến cuối ngày 27/4, 954 công dân Tajikistan vẫn còn kẹt trong khu tạm giữ công dân của sân bay Vnukovo" - Ông Samadi nói, đồng thời cho biết trước đó có 322 công dân Tajikistan đã được phép vào lãnh thổ Nga tại Vnukovo, và số người bị từ chối nhập cảnh là khoảng 27 người (dự kiến con số này sẽ tăng lên 306 người).
Theo ông Samadi, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các sân bay khác ở Moscow, gồm Zhukovsky, Domodedovo và Sheremetyevo - nơi hàng chục công dân Tajikistan mắc kẹt trong các khu vực quản thúc.
Tờ The Times of Central Asia cho biết, căng thẳng ngoại giao hiếm hoi giữa hai đồng minh Nga-Tajikistan diễn ra trong bối cảnh nhiều nghi phạm người Tajikistan đã bị bắt giữ do tình nghi liên quan tới vụ xả súng khủng bố tại trung tâm mua sắm và thưởng thức âm nhạc Crocus City Hall ngày 22/3 năm nay, khiến hơn 140 người thiệt mạng.
Nghi phạm thứ 12 có liên quan tới vụ việc vừa bị Nga bắt giữ hôm 27/4, đó là công dân Tajikistan lưu trú tại một nhà nghỉ ở Moscow.
Theo TASS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, quy trình kiểm tra kỹ lưỡng những người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Nga là tạm thời nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn khủng bố.
"Các cơ quan thực thi pháp luật Nga đang tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hơn đối với công dân nước ngoài nhập cảnh vào Nga.
Quy trình được tiến hành tại các trạm kiểm soát trên khắp lãnh thổ Nga, bao gồm cả ở sân bay. Do đó, có sự chậm trễ trong quá trình kiểm tra hộ chiếu" - Bà Zakharova nói - "Moscow đang thực hiện các biện pháp để xử lý quy trình hiện tại nhanh nhất có thể".
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Tajikistan cho biết, công dân nước này tại sân bay Zhukovsky, Domodedovo và Sheremetyevo ở Moscow bị quản thúc trong điều kiện tồi tệ. Các nhân viên ngoại giao Tajikistan và thành viên Cộng đồng người di cư ở Nga đã tới hỗ trợ bữa ăn cho những người bị mắc kẹt.
Đại sứ quán Tajikistan ở Moscow đã mở cửa hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày để giúp đỡ các công dân Tajikistan, đồng thời khuyến nghị công dân nước này "tạm thời không đến Nga".
Tajikistan nổi giận triệu Đại sứ Nga
Theo hãng tin Reuters, trong ngày 29/4, Dushanbe đã triệu tập Đại sứ Nga tại Tajikistan Semyon Grigoriev để phản đối điều mà họ mô tả là "Moscow đối xử không công bằng với các công dân Tajikistan". Cơ quan này cho biết, họ thực sự quan ngại về những trường hợp thường xuyên xảy ra, trong đó, các công dân Tajikistan "bị đối xử tiêu cực".
"Các biện pháp hạn chế chỉ được áp dụng với công dân Tajikistan" - Bộ Ngoại giao Tajikistan cho hay.
TASS cho biết, cơ quan ngoại giao Tajikistan đã trao cho Đại sứ Nga Semyon Grigoriev công hàm phản đối, "nêu rõ mối quan ngại nghiêm trọng về hàng loạt trường hợp biểu hiện thái độ tiêu cực với công dân Tajikistan". Trên công hàm lưu ý rằng, "hành động này đang được Nga áp dụng với riêng công dân Tajikistan, về cơ bản không phù hợp với tinh thần hợp tác và truyền thống quan hệ giữa hai nước".
Trước đó, vào ngày 26/4, Thứ trưởng Ngoại giao Tajikistan Sodik Imomi đã thảo luận với Đại sứ Nga Grigoriev về "những khó khăn mà các công dân Tajikistan đang phải đối mặt trong vài tuần qua khi đi qua biên giới với Liên bang Nga", đồng thời bày tỏ lo ngại về "những trường hợp công dân Tajikistan bị từ chối nhập cảnh vào Nga một cách vô căn cứ".
Đáng lưu ý, biên phòng Nga cũng đã tạm dừng cho phép ô tô mang biển số Tajikistan nhập cảnh vào Nga. Tại trạm kiểm soát Sagarchin ở biên giới Kazakhstan và vùng Orenburg (Nga), tính đến cuối tháng 4 đã có hơn 180 ô tô mang biển Tajikistan xếp hàng dài chờ đợi vì không thể nhập cảnh.
Tajikistan có thể trục xuất lực lượng Nga để đáp trả
Nga và Tajikistan là hai đồng minh hậu Xô Viết, cùng là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS). Tại Tajikistan hiện có các đơn vị quân đội và cơ sở hạ tầng quân sự của Nga.
Thế nhưng, theo New.ru (Nga), vụ tấn công vào Crocus City Hall đã khiến quan hệ giữa hai nước nguội lạnh. Trong bối cảnh Moscow thắt chặt luật nhập cư, Dushanbe đang tìm cơ hội để gây áp lực lên Moscow, điều này tạo ra mối đe dọa đối với căn cứ của quân đội Nga đặt tại Tajikistan.
Đây là căn cứ quân sự trên bộ lớn nhất ở nước ngoài của Nga, được thành lập trên cơ sở Sư đoàn súng trường cơ giới số 201.
Trong cuộc trao đổi với News.ru, chuyên gia khoa học chính trị Tajikistan Abdugani Mamadazimov cho rằng, căng thẳng trong quan hệ giữa hai phía - sau vụ khủng bố ở Crocus và việc Moscow hạn chế người Tajikistan nhập cảnh vào Nga - có thể dẫn tới quyết định rút căn cứ quân sự Nga ra khỏi Tajikistan, tương tự như quá trình đã bắt đầu diễn ra ở Armenia.
"Chúng ta đã thấy quân đội Nga bị yêu cầu rời khỏi sân bay Zvartnots ở thủ đô Yerevan (Armenia) như thế nào, những cuộc đối thoại tương tự cũng có thể diễn ra ở Tajikistan. Nếu Caucasus là cánh phía tây của CSTO thì Tajikistan là cánh phía đông của tổ chức này" - Ông Mamadazimov nhận định.
Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là liệu Tajikistan có thể đảm bảo an ninh của mình khi không có sự hiện diện quân sự của Nga hay không, xét tới vị trí gần nơi tình hình có nhiều rối ren như Afghanistan.
Cá nhân ông Mamadazimov cho rằng, Tajikistan có khả năng đảm bảo an ninh của chính mình, song lưu ý "Trung Á vẫn là khu vực trung thành, thân thiện và đồng minh thân cận nhất trên thế giới đối với Moscow".