Đài RT (Nga) cho biết, theo báo cáo quý mới nhất do Ngân hàng Trung ương Nga vừa công bố, với động thái này, tỉ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại tệ của Nga đã giảm rất mạnh chỉ trong 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 6/2018, giảm từ 43.7% xuống mức thấp kỷ lục mới là 21,9%. Bản báo cáo này được công bố với độ trễ 6 tháng.
Phần lớn tiền được rút từ kho dự trữ USD sẽ được tái phân bổ nhằm tăng tỉ lệ đồng euro trong kho dự trữ ngoại tệ Nga lên 32% và nhân dân tệ Trung Quốc lên 14,7%. Một tỉ lệ 14,7% được đầu tư vào các đồng ngoại tệ khác như bảng Anh (6,3%), yen Nhật (4,5%), đôla Canada (2,3%) và đôla Australia (1%).
Cũng theo báo cáo trên, tổng tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga bao gồm dự trữ vàng và ngoại tệ đã tăng 40,4 tỉ USD từ tháng 7/2017 tới tháng 6/2018, đạt 458,1 tỉ USD.
Trước đó, Nga đã bắt đầu cuộc “tháo chạy” khỏi trái phiếu kho bạc Mỹ lớn chưa từng có tiền lệ hồi tháng 4 và tháng 5/2018 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ. Nước này bán ra ồ ạt 81 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ đúng thời điểm Washington áp đặt lệnh trừng phạt lên các doanh nhân, công ty và quan chức chính phủ Nga.
Điện Kremlin đã công khai tuyên bố rằng, các lệnh trừng phạt và áp lực của Mỹ đang buộc Nga phải tìm các loại tiền tệ thanh toán thay thế cho đồng USD để đảm bảo an ninh cho nền kinh tế của đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov mới đây tuyên bố Nga sẽ đáp trả các đòn trừng phạt của Mỹ và đặt biệt đang tăng cường nỗ lực từ bỏ đồng đôla Mỹ trong các giao dịch thương mại. "Đã đến lúc chúng ta cần đi từ lời nói sang hành động, và thoát khỏi đồng đôla là một biện pháp giải quyết qua lại, bên cạnh việc xem xét các biện pháp khác", ông Ryabkov phát biểu trên tạp chí International Affairs.
Nga đang tăng cường sử dụng đồng nội tệ ruble trong các giao dịch quốc tế.
Bộ trưởng Năng lượng Nga, ông Alexanderr Novak gần đây cũng lưu ý rằng, ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến việc thay thế đồng USD như một phương tiện trong các giao dịch dầu mỏ toàn cầu và các giao dịch khác.
Các quốc gia khác, như Trung Quốc và Iran, cũng đang theo đuổi các bước để thách thức sự thống trị của đồng bạc xanh. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng đang có chiều hướng xoay lưng với đồng tiền Mỹ. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí sẽ sử dụng đồng nội tệ để thanh toán hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ ruble và nhân dân tệ nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Việc chuyển đổi sang thanh toán bằng nội tệ sẽ giúp giảm đáng kể rủi ro và sự phụ thuộc vào đồng USD, tránh sự biến động tỷ giá và phí chuyển tiền trong thương mại song phương. Nhìn chung, các biện pháp này sẽ nâng cao vị thế của các đồng nội tệ.
Chính phủ Nga cũng đang soạn thảo kế hoạch hạn chế thanh toán bằng đồng USD nhằm tạo điều kiện tối ưu cho các thanh toán bằng đồng nội tệ ruble. Đối tác thương mại chính của Nga hiện là Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Theo kế hoạch này, Nga sẽ tăng dần các thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc và đồng euro với hai đối tác trên. Với các đối tác trong Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Nga sẽ sử dụng đồng ruble.
Link gốc bài viết tại đây.