Nga cắt giảm khí đốt sang châu Âu, ảnh hưởng rõ đến châu Á

Gia Minh |

Việc cắt giảm dòng khí đốt tự nhiên mới nhất của Nga đến châu Âu có nguy cơ gây mất ổn định hơn nữa về an ninh năng lượng ở châu Á, theo các chuyên gia.

Việc cắt giảm nguồn cung mới nhất của Gazprom có ​​thể thúc đẩy châu Á rời bỏ khí đốt tự nhiên hóa lỏng - Ảnh: REUTERS

Việc cắt giảm nguồn cung mới nhất của Gazprom có ​​thể thúc đẩy châu Á rời bỏ khí đốt tự nhiên hóa lỏng - Ảnh: REUTERS

Việc tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất (có hiệu lực từ ngày 27-7) đã khiến giá hợp đồng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) kỳ hạn ở châu Âu tăng vọt lên thêm 10%.

Cụ thể, giá khí đốt giao ngay tại Hà Lan ngày 27-7 đã tăng lên khoảng 233 USD/megawatt/h, trong khi giá đóng cửa ngày 26-7 là 203 USD. Năm 2021, mức giá chỉ có 23,5 USD/megawatt/h.

Trong khi đó, giá LNG giao ngay ở khu vực Bắc Á vào ngày 27-7 tăng lên mức cao nhất là 52 USD/26,8m3, cao hơn gấp 3 lần mức này cùng thời điểm năm 2021.

Các công ty tiện ích ở Hàn Quốc và Nhật Bản lo lắng về việc châu Âu sẽ tích trữ nhiều khí đốt hơn khi mùa đông đến gần, nên gần như giá nào họ cũng mua hàng, kể cả mua giá cao hơn của châu Âu.

Ông Kaushal Ramesh, nhà phân tích khí đốt tại Công ty Rystad Energy (trụ sở ở Singapore), nhận định với Đài Al Jazeera rằng tác động trực tiếp việc cắt giảm khí đốt của Nord Stream 1 sẽ làm tăng mức cạnh tranh đối với khí LNG giữa các quốc gia.

"Chúng tôi kỳ vọng những người mua châu Á có đủ khả năng chi trả - chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan - để cạnh tranh với châu Âu", ông nói.

Mặc dù trước đây có sự chênh lệch đáng kể về giá khí LNG theo khu vực, nhưng thị trường ngày càng toàn cầu hóa trong những năm gần đây. Giá của châu Á hiện bám sát giá ở châu Âu. Mỹ hiện là nhà sản xuất LNG lớn nhất thế giới.

Giờ đây châu Âu đang có nhu cầu cao, vì vậy ông Ramesh nói chừng nào châu Âu còn thâm hụt, giá LNG của châu Á sẽ tiếp tục bị chi phối.

Các quốc gia có túi tiền dự trữ mạnh như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể chịu được các đợt tăng giá cao.

Ngược lại, các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực Nam Á, đang phải vật lộn để duy trì sự phát triển. Pakistan đã trải qua thời gian mất điện kéo dài hơn 12 giờ trong những tuần gần đây, khi chính phủ mới của nước này phải vật lộn để có thêm khí đốt.

Chính phủ của tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đang cố gắng kiềm chế cuộc khủng hoảng kinh tế và đàm phán các gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tại Sri Lanka, nơi tình trạng thiếu hụt năng lượng dẫn đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng và sự ra đi của cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa, kho dự trữ xăng dầu quốc gia đang trên đà cạn kiệt.

Ông Badri Narayanan Gopalakrishnan, một nhà kinh tế tại Delhi (Ấn Độ) và từng tư vấn cho Ngân hàng Phát triển châu Á, nói với Đài Al Jazeera: "Nếu một cuộc khủng hoảng ngắn hạn giảm bớt trong 6 tháng tới, tôi hy vọng sẽ không có thêm nạn nhân lớn nào khác".

Tốc độ tăng trưởng và phát triển gần đây, chắc chắn khiến nhiều quốc gia đang phát triển phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể kiểm soát được phần nào nếu họ đa dạng hóa các nguồn năng lượng như Ấn Độ đang làm.

Tuy nhiên, tất cả các quốc gia đều dễ bị tổn thương nếu tình hình vẫn như vậy quá lâu, ông Badri nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại