Alexander Lavrentiev, đặc phái viên của Nga tại Syria, đã hạ thấp nguy cơ xảy ra đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nói với RIA Novosti hôm 15.10 rằng “cuộc đụng độ trước hết là điều không ai muốn, thứ hai đơn giản là không thể chấp nhận được”. "Chúng tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra” - ông Lavrentiev nói.
RIA Novosti cũng dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga đã cấp tập triển khai quân đội đến tiền tuyến, ngăn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria đụng độ.
Nga, cùng với Iran, đã ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại binh sĩ thuộc lực lượng đối lập Syria và các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn gồm Quân đội Syria Tự do (SFA) và Mặt trận giải phóng dân tộc (NLF).
Phe thứ ba, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) gồm chủ yếu là người Kurd được Mỹ hỗ trợ, nhưng đã bị bỏ rơi sau khi Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria .
Newsweek đưa tin độc quyền hôm 14.10 rằng, quân đội Mỹ đã bàn giao các vị trí ở thành phố Manbij phía bắc Syria cho các lực lượng Nga. Nga, với sự hỗ trợ cho quân đội Syria và thỏa thuận của người Kurd gần đây với Damascus, đã thực sự trở thành người bảo đảm cho thành phố chiến lược này cùng những thành phố khác nằm dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi khẳng định sự hiện diện của mình trên bộ sau khi Mỹ rút quân , Nga vẫn giữ liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Iran, đã hình thành bộ ba để chấm dứt nội chiến ở Syria, và có cuộc gặp hồi tháng trước để thúc đẩy hoà bình.
Tuy nhiên, bộ ba này xung đột lẫn nhau về tình hình Syria do Mátxcơva và Ankara ủng hộ những lực lượng khác nhau, còn Tehran thẳng thừng lên án hoạt động của Ankara. Trong thế giới Arab, chỉ có Qatar lên tiếng ủng hộ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát đi tín hiệu tiếp cận khu vực mới bằng cách bắt đầu các chuyến thăm cấp nhà nước tới Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Hai nước này ban đầu cũng ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad , nhưng đã tiết chế khi chính phủ Syria giành thắng lợi trên toàn quốc.