Trong một tuyên bố ngày 13/9, FSB cho biết cơ quan này đã có được "các tài liệu xác nhận sự phối hợp của London trong việc làm leo thang tình hình quân sự - chính trị quốc tế". Anh cũng đã ủng hộ "các chính sách phá hoại" ở Nga nhằm gây ra "thất bại chiến lược" cho Mátxcơva. Những nỗ lực này được dẫn đầu bởi Cục Đông Âu và Trung Á (EECAD) thuộc Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung (FCO) của Anh, phía Nga cáo buộc.
Theo FSB, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, EECAD về cơ bản đã chuyển đổi thành một cơ quan hoạt động chống lại Nga. Do đó, Nga coi hoạt động của các nhà ngoại giao Anh làm việc dưới sự bảo trợ của cơ quan này là "mối đe dọa an ninh".
Trước động thái này và những "bước đi thù địch" khác của Anh, Bộ Ngoại giao Nga, phối hợp với các bộ phận liên quan, "đã rút giấy phép của sáu nhân viên phòng chính trị thuộc Đại sứ quán Anh tại Mátxcơva". Nga cho rằng những người này "có hành động cho thấy dấu hiệu của hoạt động tình báo và phá hoại". Mátxcơva sẽ yêu cầu Anh chấm dứt nhiệm vụ của họ tại Nga.
Trả lời hãng thông tấn Tass , Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hoàn toàn ủng hộ đánh giá của FSB, tuyên bố rằng các nhà ngoại giao Anh tại Nga thực tế đã tham gia vào "các hành động nhằm gây hại cho người dân của chúng tôi".
Chính quyền Anh vẫn chưa phản hồi các cáo buộc.
Mối quan hệ giữa Nga và Anh đã xuống mức thấp chưa từng có kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Hai nước đã nhiều lần trục xuất các nhà ngoại giao của nhau và áp đặt các lệnh trừng phạt.