Tờ Daily Mail hôm 13/4 đưa tin, Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây đang biến Ukraine thành "thùng thuốc súng" trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Ukraine đang leo thang.
Theo các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ, 2 tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ - USS Donald Cook và USS Roosevelt - được cho là đang trên đường tới Biển Đen từ một căn cứ quân sự ở Tây Ban Nha. Dự kiến, 2 tàu chiến Mỹ sẽ tới Biển Đen vào các ngày 14 - 15/4.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov, hôm 13/4 gọi quyết định triển khai 2 tàu chiến của Mỹ tới Biển Đen là "hành động khiêu khích", nhằm "thử thách tinh thần Nga". Ông Ryabkov cảnh báo Washington nên giữ khoảng cách với quân đội Nga ở Biển Đen, đồng thời cho rằng nguy cơ xảy ra "sự cố" là rất cao.
"Chẳng có lý do gì để các tàu chiến Mỹ xuất hiện gần bờ biển Nga. Đây hoàn toàn là hành động khiêu khích. Họ đang thử thách sức mạnh của chúng tôi... và sẽ không thành công.
Tàu khu trục USS Roosevelt được cho là một trong 2 tàu chiến Mỹ đang trên đường tới Biển Đen. Ảnh: Reuters
Chúng tôi cảnh báo Mỹ rằng, tốt hơn hết nên tránh xa Crimea và Biển Đen. Điều đó sẽ tốt cho họ".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói thêm: "Mỹ là đối thủ của chúng tôi và làm mọi thứ để vị thế của Nga suy yếu. Chúng tôi không thấy có lý do gì để Washington đưa ra động thái điều tàu chiến tới Biển Đen".
Ông Ryabkov nhấn mạnh: "Nếu có bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm an ninh của nước Nga và an toàn của công dân Nga, dù họ có ở đâu đi nữa. Ukraine và các đồng minh phương Tây sẽ phải chịu trách nhiệm. Mỹ và các quốc gia thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cố tình biến Ukraine thành 'thùng thuốc súng'".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov. Ảnh: TASS
Cũng trong ngày 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, cho biết, NATO đang có kế hoạch đồn trú 40.000 quân và 15.000 thiết bị quân sự trong khu vực - một tuyên bố mà NATO phủ nhận - và việc Nga triển khai binh sĩ tới biên giới với Ukraine chỉ đơn thuần là để "đối phó".
Ông Shoigu cũng cho rằng các cuộc tập trận và huấn luyện của NATO làm gia tăng căng thẳng.
"Trong 3 tuần, 2 đơn vị bộ binh và 3 đơn vị đổ bộ đường không được triển khai tới khu vực biên giới phía tây của Nga để thực hiện các bài huấn luyện chiến đấu", Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói.
Ông Shoigu nói thêm rằng, "quân đội Nga đã sẵn sàng và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quân sự của đất nước". Đồng thời, các cuộc tập trận sẽ hoàn thành trong "2 tuần".
Binh sĩ Ukraine được huấn luyện với súng máy ở gần biên giới với Nga. Ảnh: Getty Images
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã gặp người đồng cấp Ukraine hôm 13/4 để trao đổi, tuyên bố, Washington "luôn ủng hộ" Ukraine.
Trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Ukraine, nhà lãnh đạo NATO - Stoltenberg - cho rằng, Nga mới là bên đang điều động binh sĩ và vũ khí trong khu vực, gọi các động thái quân sự mới nhất của Moscow là "phi lý, vô căn cứ và gây quan ngại sâu sắc. "NATO luôn sát cánh với Ukraine", ông Stoltenberg nói.
Tuần trước, Nga đã triển khai lực lượng dọc biên giới với Ukraine. Theo ước đoán, có khoảng 83.000 binh sĩ đang đồn trú. Động thái này được cho là có liên quan tới việc gia tăng tình trạng bạo lực giữa quân đội Ukraine và các nhóm nổi dậy thân Nga ở miền đông Ukraine.
Trong khi Moscow không đưa ra lý do chính thức cho việc triển khai binh sĩ và vũ khí dọc biên giới với Ukraine, các nhà quan sát cho rằng, động thái này có thể là phản ứng với đường lối cứng rắn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra với Nga.
Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, cho rằng, động thái này của Moscow được xem là "phép thử" với ông Biden, để xem phản ứng của tân Tổng thống Mỹ.