Nga cảnh báo có thể sửa đổi học thuyết hạt nhân, điều chỉnh thời điểm sử dụng vũ khí

Thi Anh |

Thông tin do ông Andrei Kartapolov - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga đưa ra.

Nga có thể sửa đổi học thuyết hạt nhân của mình nếu các thách thức và mối đe dọa nhằm vào Liên bang Nga tăng lên, ông Andrei Kartapolov - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga nói với RIA Novosti ngày 23/6.

Ông Kartapolov cho biết, lúc đó thời gian ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân cũng có thể sẽ được điều chỉnh.

"Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc tình hình chính trị-quân sự thay đổi như thế nào. Học thuyết phản ánh phản ứng của chúng tôi đối với những gì đang xảy ra với đất nước mình. Nếu chúng tôi thấy rằng các thách thức và mối đe dọa tăng lên, thì chúng tôi có thể điều chỉnh một số điểm trong học thuyết về thời gian, cũng như vấn đề ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Kartapolov nói.

Tuy nhiên, ông Kartapolov cũng cho rằng, hiện tại là quá sớm để nói cụ thể về vấn đề này.

Sau khi phát ngôn của ông Kartapolov được đăng tải trên RIA Novosti, Reuters đã dẫn lại thông tin này và cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Nga có thể sẽ rút ngắn thời gian ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trong học thuyết hạt nhân của mình.

Học thuyết hạt nhân của Nga năm 2020 nêu rõ: Tổng thống Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân để phản ứng trước một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay vũ khí thông thường "khi sự tồn vong của đất nước bị đe dọa".

Hiện nay, Nga và Mỹ là 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ gần 90% vũ khí hạt nhân của thế giới. Cả hai nước đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn tới tình trạng đối đầu gay gắt nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Ông Putin mới đây đã tuyên bố, Nga không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo chiến thắng ở Ukraine. Tới nay, đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất từ Điện Kremlin cho thấy cuộc xung đột đẫm máu nhất của châu Âu kể từ Thế chiến hai sẽ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Putin cũng không loại trừ khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga. Theo Reuters, động thái này được xem như tín hiệu bật đèn xanh trước áp lực từ phe cứng rắn trong giới tinh hoa Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại