Theo các nguồn tin được công khai, vào cuối năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phê duyệt Chương trình hiện đại hóa vũ khí cho quân đội Nga giai đoạn 2018-2027 (State Armament Programme - SAP 2027). Sẽ có những ưu tiên được thay đổi trong chương trình hiện đại hóa vũ khí đầy tốn kém này.
Phạm vi Chương trình
Chương trình hiện đại hóa vũ khí giai đoạn 2018-2027 (SAP-2027) nằm trong chương trình cải cách quân đội Nga, nhằm tiếp tục hoàn thành chương trình hiện đại hóa vũ khí giai đoạn 2011-2020 (SAP-2020) có trị giá 19,4 nghìn tỷ rúp.
Do vấp phải khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng bởi giá dầu xuống thấp và chịu sự cấm vận của phương Tây nên nền kinh tế Nga những năm qua không đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch, kéo theo ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Vì vậy, chương trình SAP-2020 không được cấp đầy đủ ngân sách, không thể hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Tuy nhiên không vì những khó khăn về kinh tế mà chương trình cải cách quân đội Nga bị hủy bỏ. Thay vì đến năm 2020 sẽ trang bị mới gần như toàn bộ vũ khí hiện đại, thì chương trình sẽ phải kéo dài đến năm 2027.
Thời gian thực hiện chương trình SAP-2027 dự kiến 10 năm (từ 2018 đến 2027); chi phí dự kiến tổng cộng khoảng 19 nghìn tỷ rúp. Quy mô của chương trình là chủ đề kéo dài cuộc tranh luận giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.
Vào đầu năm 2014, quân đội đã yêu cầu nguồn ngân sách từ 30 đến 55 nghìn tỷ rúp cho khoảng thời gian 10 năm, trong khi Bộ tài chính chỉ có thể đáp ứng nguồn ngân sách là 14 nghìn tỷ rúp.
Sau nhiều lần tiếp tục điều chỉnh, ngân sách dành cho chương trình đã được tăng lên 19 nghìn tỷ rúp, tuy nhiên thời gian kéo dài lên đến 10 năm. Một số dự án đầy tham vọng và tốn kém như thiết kế tàu sân bay mới, tàu khu trục, máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu tàng hình sẽ bị hoãn lại .
Mặc dù vấn đề tiền nong đã được quyết định nhưng hiện nay lại có một cuộc xung đột nội bộ trong Bộ Quốc phòng về việc phân bổ nguồn ngân sách cho các chi nhánh của quân đội. Quả thực việc này đã gây ra những tranh luận không kém gì việc phân bổ ngân sách giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính Nga.
Mặc dù vào cuối năm nay, quyết định cuối cùng của chương trình mới được ký thông qua. Nhưng thực tế thấy rõ Hải quân Nga đang trong quá trình mất đi ưu thế để có thể nhận được phần nhiều hơn trong chiếc bánh ngân sách.
Nguồn tài chính được ưu tiên cao nhất cho mua sắm trong những năm tới sẽ dành cho lực lượng Lục quân và hiện đại hóa Lực lượng vũ khí hạt nhân.
Lực lượng Hạt nhân chiến lược
Sau năm 2021, lực lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo sẽ bao gồm 6 tàu ngầm lớp Delta IV và tám tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược lớp Borei; số lượng tàu ngầm này được phân chia đều cho Hạm đội Biển Bắc và Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160M2 xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng ngày 16/11/2017 có thể mang tới 12 tên lửa hành trình tầm xa Kh-101.
Lực lượng không quân chiến lược đang được nâng cấp để các loại máy bay ném bom tầm xa như Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3 có thể mang tên lửa hành trình kiểu mới Kh-101 và Kh-102.
Ngoài ra, quân đội Nga tuyên bố sẽ tiếp tục nối lại việc sản xuất máy bay Tu-160 vào đầu năm 2021. Đây là một giải pháp thay thế cho đến khi chương trình máy bay ném bom chiến lược tàng hình thế hệ 5 PAK-DA được khởi động.
Trong bộ ba vũ khí chiến lược của Nga, có lẽ lực lượng tên lửa chiến lược (ICBM) được ưu tiên nhất. Có 2 dự án đang được tiến hành thuận lợi, đó là phát triển mẫu ICBM hoàn toàn mới Rubezh và tên lửa đạn đạo hạng nặng được phóng từ các giếng phóng cố định Sarmat.
Lực lượng Lục quân
Lực lượng Lục quân dự kiến sẽ nhận được phần lớn ngân sách trong Chương trình SAP-2027. Nguyên nhân một phần là do những gì diễn ra tại Ukraine, khiến Nga tin rằng lực lượng bộ binh sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tương lai.
Các xe tăng T-90 và T-14 Armata, xe bọc thép Kurganets-25 và xe chở quân Boomerang dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong vòng 8 năm tới, dù vậy số lượng của chúng có thể sẽ bị giới hạn do vấn đề tài chính.
Xe tăng T-14 Armata
Lực lượng pháo binh và tên lửa chiến thuật là một điểm sáng cho lực lượng Lục quân. Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander đang được tiến hành triển khai trang bị theo đúng tiến độ, với tất cả các đơn vị mới thành lập đều được trang bị đầy đủ vào năm 2019.
Bên cạnh đó, các loại pháo phản lực phóng loạt cỡ lớn (MLRS) như Uragan và Tornado-S cũng đang được triển khai bắt đầu từ năm 2017, công tác trang bị dự kiến sẽ tiếp tục trong suốt thời gian triển khai SAP-2027.
Các loại pháo tự hành Msta từ thời Liên Xô sẽ được thay thế bằng pháo Koalitsiya. Các hệ thống phòng không tầm ngắn mới cũng sẽ được mua sắm.
Lực lượng hải quân
Hải quân Nga là binh chủng nhận được ít ngân sách nhất trong chương trình SAP-2027. Mặc dù được phân bổ 4,7 nghìn tỷ rúp trong chương trình SAP-2020 nhưng trong suốt 7 năm qua, lực lượng Hải quân không thể giải ngân tất cả số tiền đó.
Lý do là Hải quân Nga đã không đưa ra một sách lược rõ ràng, đồng thời ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Nga bị ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, cấm vận của phương Tây và Ukraine.
Ngân sách dự kiến giành cho Hải quân Nga trong chương trình SAP-2027 sẽ được cắt giảm xuống chỉ còn 2,6 nghìn tỷ rúp.
Mặc dù có những tham vọng lớn đã được đưa ra trong học thuyết hải quân gần đây, tuy nhiên trong những năm tới, Nga vẫn tập trung phát triển tàu ngầm và tàu mặt nước cỡ nhỏ.
Lực lượng không quân
Trong 7 năm qua, Không quân Nga đã bắt đầu nhận được máy bay hiện đại với số lượng đáng kể và tiếp tục phát triển các mẫu máy bay mới như máy bay chiến đấu thế hệ 5 Su-57. Song, thay vì kỳ vọng Nga sẽ tăng tốc trang bị Su-57 thì trong kế hoạch từ nay đến năm 2027, Moscow không có khả năng mua sắm lớn loại máy bay này.
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Nga. Trong SAP-2027, Moscow không có khả năng mua sắm lớn loại máy bay này do khó khăn về kinh tế.
Thay vào đó, Nga sẽ tiếp tục mua máy bay chiến đấu thế hệ 4 như Su-35S Flanker-E và máy bay ném bom chiến thuật Su-34 Fullback. Ngoài ra, một số lượng nhỏ MiG-35 Fulcrums mới của Mikoyan cũng sẽ được sản xuất và có thể sẽ gia nhập vào Không quân Nga.
Một trong những ưu tiên trong kế hoạch trang bị vũ khí mới của quân đội Nga là các loại máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS).
Sau nhiều lần trì hoãn, vừa qua chiếc máy bay thế hệ mới A-100 được trang bị hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) của Nga đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.
Máy bay A-100, được phát triển dựa trên nền tảng máy bay vận tải Il-76MD-90A, dự kiến sẽ thay thế những chiếc AWACS A-50 hiện đang được Không quân Nga sử dụng.
Hiện nay, Nga đang trải qua một sự bùng nổ trong sản xuất các loại máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, các loại UAV của Nga phần lớn là loại tầm thấp và trung bình, sử dụng cho mục đích trinh sát.
Về phòng không, Nga sẽ tiếp tục triển khai tên lửa phòng không tầm xa S-400 và tên lửa tầm ngắn Pantsir-S.
Dường như hệ thống phòng không S-500 thế hệ kế tiếp đã sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt, mặc dù các kế hoạch chính thức vẫn cho thấy mẫu thử nghiệm sẽ được tiến hành vào năm 2020. Các kế hoạch ban đầu được gọi là sản xuất nối tiếp của S-500 đã được bắt đầu từ năm 2015.
Tác động đến an ninh khu vực
Chương trình SAP-2020 đã được mô tả rộng rãi như là chương trình vũ khí thành công đầu tiên của lịch sử hậu Xô viết của nước Nga. Nó được xây dựng để giúp quân đội Nga tái trang bị các loại vũ khí mới đã bị trì hoãn từ lâu do sự sụp đổ của nền kinh tế Nga vào những năm 1990.
SAP-2020 đã lấp đầy những khoảng trống cơ bản nhất và SAP-2027 được kỳ vọng có thể chuyển quân đội Nga thành một quân đội mạnh hơn với những vũ khí mới, chính xác. Bên cạnh việc nâng cao sức mạnh cho quân đội Nga, mục đích của chương trình này vẫn là tiếp tục duy trì năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Về năng lực quân sự, hiện nay Nga đủ mạnh để tự vệ trong một cuộc chiến tranh thông thường, đủ khả năng chống lại bất kỳ kẻ thù nào và đánh bại bất kỳ quốc gia láng giềng nào khác, ngoại trừ Trung Quốc. Khả năng răn đe hạt nhân được tăng cường hơn.
Việc mua sắm vũ khí mới phải đạt mục tiêu theo kịp với những cải tiến về công nghệ của các đối thủ cạnh tranh ngang hàng (các quốc gia thành viên NATO và Trung Quốc).
Trong một số lĩnh vực, như phòng không, tên lửa chống hạm và tác chiến điện tử, Nga sẽ tiếp tục duy trì khả năng vượt trội so với các nước láng giềng khác.
Mặc dù thu hẹp được khoảng cách trong các lĩnh vực như máy bay không người lái và vũ khí dẫn đường chính xác nhưng Moscow vẫn còn tụt hậu ở lĩnh vực tàu chiến, máy bay vận tải và hệ thống điều khiển tự động.
Nhìn chung, nỗ lực hiện đại hóa quân đội đang mang lại thêm cho nước Nga các phương án địa chính trị và công cụ để thực hiện các phương án đó, khiến tiếng nói của Nga trên trường quốc tế trở nên có trọng lượng hơn.
Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấylà Nga sẽ càng khó cắt giảm ngân sách quân sự, tăng gánh nặng cho nền kinh tế. Đó là thế lưỡng nan từng làm đình đốn nền kinh tế và đẩy Liên bang Xô viết đến sự tan rã hồi cuối thập niên 1980, đầu 1990.