Hiện tại nhiệm vụ phòng thủ tên lửa của Nga hoàn toàn dựa vào các bệ phóng tên lửa được triển khai trong các căn cứ và hầm ngầm để bảo vệ các cơ sở chiến lược then chốt.
Song trong tương lai hệ thống NMD có thể bảo vệ mọi thành phố, các cơ quan xã hội, đơn vị quân đội và các cơ sở công nghiệp. Mục tiêu ngăn chặn của hệ thống này là các máy bay không người lái và tên lửa hành trình có tốc độ siêu thanh.
Chuyên gia quân sự Nga Anton Lavrov cho biết NMD không phải để ngăn chặn tên lửa hành trình chiến lược, mà nhằm ngăn chặn các tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa không đối đất có tầm bay vài trăm km. Những loại tên lửa này ngày càng nhiều và có độ chính xác cao.
“Cuộc xung đột ở Trung Đông đã cho thấy, không chỉ nhiều quốc gia mà cả các nhóm vũ trang phi chính phủ cũng có” – ông lý giải –“Công nghệ ngày càng phát triển thì càng dễ có. Các nhóm vũ trang có thể dễ dàng mua được các loại tên lửa này”.
Ông Lavrov nói thêm rằng các tên lửa phi chiến lược có tốc độ nhanh, thậm chí có thể thay đổi quỹ đạo bay ở giai đoạn cuối.
Trang bị phòng không hiện tại không đủ hiệu quả ngăn chặn loại tên lửa này, do đó buộc phải phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Mẫu tên lửa thế hệ mới vừa được thử nghiệm thành công trên S-400 và S-500 chính là nhằm ngăn chặn loại tên lửa phi chiến lược.
Chuyên gia quân sự Yuri Liamin cho rằng trong 10 năm tới, nhiều quốc gia sẽ chú trọng phát triển tên lửa chiến thuật tầm trung và tầm gần có tính cơ động cao. Mẫu tên lửa này hiện đang rất phổ biến ở Trung Đông.
Điều quan trọng là thế hệ tên lửa mới ngày càng có uy lực và độ chính xác cao hơn. Trước kia cần 10 tên lửa để tiêu diệt một mục tiêu, nay chỉ cần một vài quả.
Israel đang phát triển một hệ thống tên lửa có tầm bắn 300 km. Công ty Raytheon của Mỹ đang phát triển tên lửa chiến thuật "Deep Striker" cho Lầu Năm Góc đảm bảo độ chính xác cao hơn "Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân" hiện tại (ATACMS) và có tầm bắn 500 km.