Thông tin trên do ãng thông tấn TASS dẫn lời ông Joseph Drize - Phó Tổng Giám đốc kiêm Thiết kế trưởng các hệ thống phòng không của nhà máy điện cơ Izhevsk (thuộc Tập đoàn Almaz-Antey) cho biết.
Theo ông Drize giải thích, các hệ thống Tor hiện nay có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người nhưng ở một số trường hợp vẫn cần người vận hành trong điều kiện bị tác động mạnh.
"Công việc về lâu dài đòi hỏi phải tăng cường trí tuệ nhân tạo để tổ hợp có thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến mà không cần đến sự can thiệp của con người" ông Drize nói.
Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2.
Ngoài ra, ông Drize cho biết thêm rằng nhà máy đang tăng cường khả năng của hệ thống Tor để nó có thể tiêu diệt tên lửa hành trình sử dụng công nghệ tàng hình.
"Chúng tôi đang nghiên cứu để cung cấp khả năng phát hiện đáng tin cậy và tiêu diệt các mục tiêu có mức độ phản xạ radar thấp" - ông nói.
Tor là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu là máy bay, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa ở độ cao trung bình, thấp và cực thấp.
Phiên bản đầu tiên của hệ thống Tor được đưa vào biên chế vào năm 1986. Phiên bản Tor-M2 mới nhất có thể tiêu diệt các mục tiêu bay ở tốc độ lên đến 700m/s ở khoảng cách 12km và độ cao 10km.
Trước đó, Tập đoàn Almaz-Antey cũng thông báo về việc bắt đầu chế tạo phiên bản dùng ở Bắc Cực của hệ thống Tor. Ngoài ra, phiên bản lắp trên tàu chiến sẽ bắt đầu được chế tạo trong giai đoạn 2018 - 2019.