Nga bị dàn chiến hạm uy lực “chiếu tướng” ngay trên sân nhà

Kiệt Linh |

Dàn chiến hạm của Hải quân Mỹ và Anh vừa có màn phô trương sức mạnh đầy thách thức ở ngay cửa ngõ của Nga. Đây là lần đầu tiên Mỹ và Anh có hành động như vậy kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ và một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh hồi đầu tuần này đã tiến vào vùng biển Barents để "khẳng định sự tự do hàng hải và thể hiện sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đồng minh", Hạm đội số 6 của Mỹ cho biết.

"Trong những giai đoạn thách thức như thế này, việc duy trì các chiến dịch của chúng tôi ở khắp Châu Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", Đô đốc Lisa Franchetti – Chỉ huy Hạm đội 6 cho hay.

Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke gồm USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt cùng với tàu HMS Kent và tàu hỗ trợ USNS Supply đã phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ nhằm thể hiện cam kết của NATO "trong việc tăng cường an ninh và sự ổn định trong khu vực đồng thời củng cố niềm tin cũng như làm vững chắc nền móng cho sự sẵn sàng của các lực lượng ở Bắc Cực", Đô đốc Franchetti nhấn mạnh.

Lần gần đây nhất các chiến hạm của NATO xuất hiện ở Biển Barents là từ những năm 1980 – thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa liên minh do Mỹ dẫn đầu với khối liên minh Xô-viết. Vì một vài lý do nào đó, sau 4 thập kỷ, giới lãnh đạo Mỹ và Anh lại chọn thời điểm đại dịch Covid-19 để khởi động chở lại chiến dịch quân sự ở ngay cửa ngõ của Nga.

Nga bị dàn chiến hạm uy lực “chiếu tướng” ngay trên sân nhà - Ảnh 2.

Các chiến hạm của Mỹ và Anh xuất hiện ngay trước cửa ngõ Nga

Mặc dù là ở vùng biển quốc tế nhưng Biển Barents là sân sau của lực lượng Hải quân Nga. Hạm đội phương Bắc – trái tim của Hải quân Nga, đóng tại Severomorsk – khu vực nằm ở Biển Berents.

Hải quân Mỹ cho biết lực lượng này đã thông báo cho Bộ Quốc phòng Nga về chiến dịch đưa tàu chiến của họ vào Biển Barents. Quân đội Nga cho hay, "Hạm đội Phương Bắc đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của nhóm tàu chiến của NATO."

Động thái trên diễn ra vào thời điểm căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Nga vẫn tiếp tục leo thang 6 năm sau vụ Nga sáp nhập Crimea. Thậm chí trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Nga và phương Tây vẫn không dừng các hoạt động gửi thông điệp cảnh báo về quân sự cho nhau.

Bước đi mới nhất của Mỹ và Anh sẽ khiến Moscow lo ngại và bất an bởi nói diễn ra khi Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu gay gắt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO.

Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.

Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

Cả hai bên đều liên tiếp có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại