Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 9 đạt 608.872 tấn với trị giá hơn 837 triệu USD, giảm 7,3% về lượng và giảm 5,8% so với tháng trước đó. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng này về Việt Nam đạt hơn 4,9 triệu tấn với trị giá hơn 7,1 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm mạnh 26,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu đạt bình quân 1.445 USD/tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, Trung Quốc là quốc gia cung cấp chất dẻo nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Trung Quốc chỉ sau Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Việt Nam 964.061 tấn chất dẻo nguyên liệu với trị giá hơn 1,5 tỷ USD, tăng 2,22% về lượng nhưng giảm gần 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu đạt 1.644 USD/tấn, giảm 20% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2 cung cấp chất dẻo nguyên liệu cho Việt Nam với 991.672 tấn với trị giá hơn 1,45 tỷ USD, đáng nói giá xuất khẩu cũng ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm 2022 với 1.470 USD/tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Nga cũng đang tăng cường xuất khẩu mặt hàng này đến Việt Nam với giá rẻ chưa từng có. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng này từ Nga vào Việt Nam đạt 91.187 tấn với trị giá hơn 85,3 triệu USD, tăng mạnh 44,7% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu đạt 935 USD/tấn, giảm mạnh 24% so với cùng kỳ năm 2022 và ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất trong số các thị trường cung cấp chính cho Việt Nam.
Hiện nay Việt Nam có thể sản xuất được các nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore…
Chất dẻo, hay còn gọi là nhựa hoặc polymer, được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng góp phần quan trọng vào phục vụ đời sống con người cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác như; điện, điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp,...
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chất dẻo còn được ứng dụng và trở thành vật liệu thay thế cho những vật liệu truyền thống tưởng chừng như không thể thay thế được là gỗ, kim loại, silicat,... Do đó, ngành công nghiệp nhựa ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sản xuất của các quốc gia.