Nga bất ngờ cắt xuất khẩu không thời hạn mặt hàng đem lại nguồn thu "khủng": Nguyên nhân là cuộc chiến lạm phát?

Minh Khôi |

Lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu của Nga được cho là tạm thời nhưng vẫn chưa có thời điểm kết thúc.

Nga chặn xuất khẩu xăng, dầu

Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Biện pháp này sẽ được loại trừ đối với 4 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), gồm: Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Điện Kremlin cho biết lệnh cấm này chỉ mang tính “tạm thời” và nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng ngày càng tăng ở Nga, nhưng không đưa ra khung thời gian khi nào các biện pháp này sẽ kết thúc.

Nga bất ngờ cắt xuất khẩu không thời hạn mặt hàng đem lại nguồn thu khủng: Nguyên nhân là cuộc chiến lạm phát? - Ảnh 1.

Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới

Diesel là nhiên liệu chính của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, vận tải biển và hàng không. Các sản phẩm phái sinh của dầu diesel như dầu sưởi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá trong mùa đông.

Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu. Nga cũng đã cắt giảm xuất khẩu dầu thô theo thỏa thuận với Ả Rập Saudi và nhóm Opec+, góp phần khiến giá dầu tăng 30% kể từ tháng 6.

Giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng vọt sau thông báo hôm thứ Năm, tăng gần 5% lên trên 1.010 USD/tấn. Giá dầu thô cũng đảo ngược mức giảm trước đó, với dầu Brent chuẩn quốc tế tăng 1% lên 94 USD/thùng.

Dầu mỏ là nguồn thu chính của ngân sách Nga, vốn đang gặp khó khăn do xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, trong tháng 7, giá dầu thô của Nga đã vượt ngưỡng 60 USD/thùng. Giá trung bình dầu Nga xuất khẩu qua đường biển tăng lên 64,4 USD/thùng.

Nga cũng hưởng lợi từ giá thế giới tăng cao. Nước này thu về 15,3 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu trong tháng 7, tăng gần 20% so với tháng trước đó, cũng là mức cao nhất 8 tháng.

Alan Gelder, phó chủ tịch phụ trách thị trường lọc dầu, hóa chất và dầu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd, cho biết mặc dù đây chỉ là lệnh cấm tạm thời nhưng tác động rất đáng kể vì Nga vẫn là nước xuất khẩu dầu diesel quan trọng cho thị trường toàn cầu.

Đây là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, Nga sẽ không thể duy trì lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel lâu vì nước này sẽ sớm hết chỗ chứa, Eugene Lindell, công ty tư vấn FGE nói.

Trận chiến lạm phát

Gần đây, việc Nga thiếu xăng và dầu diesel khiến các vùng trồng lúa mỳ cần nhiên liệu để thu hoạch bị ảnh hưởng. Chính phủ Nga đã dành nhiều tuần đàm phán với các nhà sản xuất dầu để quyết định các biện pháp kiềm chế giá nhiên liệu tăng.

Giá nhiên liệu tăng cao là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra lạm phát. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang, giá xăng và dầu diesel bán lẻ ở Nga đã tăng 9,4% từ đầu năm đến ngày 18/9 so với mức tăng giá tiêu dùng chung là 4%.

Đầu tuần này, chủ tịch Hạ viện Vyacheslav Volodin đã chỉ trích Bộ Năng lượng vì đã không ngăn chặn được sự gia tăng. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Năng lượng Pavel Sorokin nói với các nhà lập pháp rằng chính phủ đã xem xét “các biện pháp một cách nghiêm túc”.

Nga đang phải vật lộn với giá nhiên liệu tăng cao do tốc độ tăng trưởng của đất nước phục hồi. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng việc giá bán buôn tăng cao là do giá các sản phẩm từ dầu trên thị trường quốc tế tăng. Một nguyên nhân khác là Ruble yếu đi so với USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại