New Delhi cho rằng thực tế rằng tầm bay chiến đấu của Su-30MKI chỉ là 400 - 550 km, trong khi ở tiêm kích Rafale của Pháp, con số này là 750 - 1.000 km. Su-30MKI do Nga sản xuất chỉ có thể bay 3 giờ/ngày, trong khi đó chiếc Rafale của Pháp có thể thực hiện tới 5 giờ hàng ngày mà không cần bảo trì đặc biệt.
Chi phí trên mỗi giờ bay của Su-30MKI lên tới hơn 45.000 USD trong khi của Rafale chỉ là khoảng 30.000USD, động cơ của Su-30MKI cũng kém ổn định hơn hẳn.
Điểm yếu nữa của Su-30MKI dù được quảng cáo radar có tầm quét xa nhưng đó lại là radar mảng pha quét thụ động vốn lạc hậu hơn cả một thế hệ so với loại quét chủ động tiên tiến lắp cho Rafale.
Được coi là nét tinh hoa của người Pháp, Dassault Rafale là một máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ, cánh tam giác hai động cơ rất linh hoạt và hiệu quả. Chúng được trang bị nhiều loại vũ khí với tổng trọng lượng lên tới hơn 9 tấn vũ khí, vượt qua MiG-35 và Su-35 vốn chỉ có khoảng 8 tấn vũ khí.
Rafale hiện là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp, do tập đoàn Dassault Aviation, một trong những hãng chế tạo máy bay lâu đời nhất thế giới sản xuất. Rafale phục vụ trong Không quân Pháp từ đầu những năm 2000.
Rafale có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất, mặt nước và ném bom hạt nhân chiến thuật. Loại máy bay này đã lần đầu thực chiến tại Lybia, Syria và thu được kết quả cao.
Trong tập trận không chiến với chiến đấu cơ tàng hình F-35, ít nhất đã có một lần chúng giành chiến thắng. Giới quan sát cho rằng Rafale vượt qua MiG-35, trong một số tình huống nhất định chúng còn nhỉnh hơn cả Su-35 Nga. Điểm yếu của loại chiến đấu cơ này là đắt ngang ngửa với F-35 của Mỹ.