Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Đại sứ Mỹ tại Nga John Huntsman đã được thăm ông Paul Whelan - cựu lính hải quân Mỹ đang bị Nga giam giữ tại Moscow vì cáo buộc hoạt động gián điệp, cũng như nói chuyện qua điện thoại với gia đình ông này.
Cựu lính thủy Mỹ Paul Whelan (ảnh: gia đình cung cấp)
"Chúng tôi đã nói rõ với phía Nga rằng chúng tôi muốn biết rõ hơn về lời cáo buộc, hiểu rõ ông ấy [Paul Whelan] mắc phải tội gì và nếu việc bắt giữ không hợp pháp, chúng tôi yêu cầu phải thả người ngay lập tức", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Brazil, nơi ông đang tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm thứ Ba (1/1).
Theo luật pháp Nga, án phạt cho người hoạt động gián điệp kéo dài từ 10 tới 20 năm.
Cũng trong ngày 1/1, gia đình của Whelan chia sẻ, ông đến Moscow để dự đám cưới và bất ngờ mất tích khi đang trú tại khách sạn Metropol ở Moscow.
"Không nghi ngờ gì ông hoàn toàn vô tôi và chúng tôi tin tưởng các quyền của ông sẽ được tôn trọng", đại diện gia đình nói.
David Whelan, anh trai của nạn nhân cũng tiết lộ, Paul Whelan từng tham gia chiến dịch tại Iraq, và đã nhiều lần tới Moscow trong quá khứ vì cả lý do công việc và cá nhân.
Daniel Hoffman, người từng phụ trách văn phòng CIA tại Moscow đánh giá, "có khả năng, thậm chí là gần như chắc chắn" Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị bắt giữ Whelan, để tạo ra một cái cớ đổi lấy Maria Butina – một công dân Nga từng bị kết tội làm gián điệp và gây ảnh hưởng tới các nhóm bảo thủ tại Mỹ vào ngày 13/12 vừa qua.
Phía Nga khẳng định Butina bị ép thừa nhận khẩu cung giả.
Theo Điện Kremlin, trong một lá thư chúc mừng năm mới 2019 tới Tổng thống Donald Trump, ông Putin viết, Moscow sẵn sàng đối thoại trên một chương trình nghị sự đa dạng với Mỹ. Những nỗ lực để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ trong năm 2018 tỏ ra không hiệu quả.
Cuối tháng 11/2018, ông Trump đã hủy bỏ gặp gỡ với người đồng cấp Putin bên lề Thượng đỉnh G20 tại Argentina, với lý do Nga nổ súng và bắt giữ các tàu hải quân Ukraine.
Quan hệ Nga – Mỹ rơi vào căng thẳng sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014. Washington và các đồng minh phương Tây đã nhiều lần áp dụng lệnh trừng phạt lên các công ty, ngân hàng và cá nhân Nga.