Tuy nhiên, khả năng Mỹ mua vũ khí từ Nga gần như không thể xảy ra khi nhìn trên lịch sử đối đầu giữa hai nước trong quá khứ.
Lời đề nghị đặc biệt
Tuyên bố sẵn sàng cung cấp vũ khí mới, trong đó có cả những loại vũ khí siêu vượt âm tương lai, cho Mỹ được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra là để trả lời cho câu hỏi đã tồn tại từ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong tháng 6-2019.
Tại hội nghị, nhiều quốc gia phương Tây và Mỹ đã đặt ra câu hỏi về sự vượt trội về các loại vũ khí tương lai của Moscow đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hiệp ước an ninh chiến lược.
"Tôi đã nói với người đồng cấp Donald Trump rằng, nếu họ muốn, chúng tôi sẵn sàng bán. Điều này sẽ giúp cân bằng cán cân chiến lược ngay lập tức. Tuy nhiên, phía Mỹ phản ứng lại rằng họ sẽ sớm sản xuất vũ khí mới. Có lẽ điều đó sẽ xảy ra sớm!", Tổng thống Nga tuyên bố tại Diễn đàn kinh tế Phương Đông vừa diễn ra tại Vladivostok.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ý tưởng cung cấp vũ khí siêu vượt âm tương lai cho Mỹ. Ảnh: RIA.
"Đây là một vấn đề rất tế nhị, nhưng chúng tôi sẵn sàng đàm phán trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Mỹ", ông Vladimir Putin nói.
Ý tưởng của Tổng thống Nga là muốn cùng với phía Mỹ tiếp tục Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới, cũng như hạn chế các hoạt động quân sự hóa không gian vũ trụ.
Theo ông Vladimir Putin, việc cung cấp vũ khí siêu vượt âm mới cho Mỹ không chỉ giúp thu hồi một phần nguồn vốn phát triển, mà còn tạo ra sự cân bằng mới trên bình địa quốc tế. Nhà lãnh đạo nước Nga khẳng định, sẵn sàng đàm phán với Mỹ về các vấn đề liên quan.
Tổng thống Nga cho rằng, nguy cơ về "cuộc chiến tranh giữa các vì sao" đang hiện hữu. Không ai có thể biết đã có những loại vũ khí nào, thậm chí là vũ khí hạt nhân đã được triển khai trong quỹ đạo. Đây chính là vấn đề gây ảnh hưởng tới cân bằng chiến lược trên thế giới.
Nga hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới tuyên bố phát triển thành công và sở hữu nhiều dòng vũ khí siêu vượt âm tiên tiến. Những loại vũ khí không có đối trọng này khiến Mỹ đang đẩy mạnh việc phát triển vũ khí mới nhằm cân bằng chiến lược với Nga. Điều này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định mới đây.
"Tôi cho rằng việc phát triển vũ khí siêu vượt âm mới có thể hoàn thành trong vài năm tới. Phát triển vũ khí siêu vượt âm và vũ khí hạt nhân mới là ưu tiên chính của Quân đội Mỹ trong thời gian sắp tới", ông Mark Esper nói với hãng tin Fox News.
Kể từ đầu năm 2019, vấn đề vũ khí siêu vượt âm mới của Nga được coi là chủ đề chính của chính giới Mỹ. Thậm chí, có nhiều chính trị gia vẫn tin rằng, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực vũ khí tương lai này và những thành tựu của Nga là kết quả của sự đánh cắp từ Mỹ.
Cố vấn An ninh Nhà Trắng, John Bolton cho rằng, Nga không có đủ nguồn lực để vừa duy trì quân đội và phát triển nhiều dòng vũ khí mang tính đột phá công nghệ như vũ khí siêu vượt âm mới. Thành quả của Nga chính là nhờ đánh cắp công nghệ từ Mỹ.
Tuy nhiên, từ những thông tin được công bố rộng rãi, giới chuyên gia quân sự cho rằng những cáo buộc của Washington về việc Moscow đánh cắp công nghệ tên lửa siêu vượt âm là không có cơ sở.
"Những công nghệ siêu âm đã được Liên Xô phát triển và hoàn thiện từ những năm 1970. Những công trình nghiên cứu như vậy không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực quân sự, mà còn là trong lĩnh vực thám hiểm không gian", chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí Quân sự quốc gia của Nga, nhấn mạnh.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng không thể đưa ra các bằng chứng để chứng minh vũ khí siêu vượt âm của Nga đánh cắp công nghệ từ Mỹ.
Tuyên bố của Tổng thống Nga về việc sẵn sàng cung cấp vũ khí siêu vượt âm mới cho Mỹ chính là "xát muối vào vết thương" tự tôn siêu cường của Washington.
Câu chuyện hài hước
Đánh giá về khả năng Mỹ có thể mua vũ khí siêu vượt âm mới từ Nga, chuyên gia Alexander Mikhailov, Giám đốc Trung tâm phân tích Chính trị-quân sự Nga cho rằng, đây không hơn, không kém là một câu chuyện hài hước.
Theo ông Alexander Mikhailov, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Nga, người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng "đáp trả" rằng, Washington sẽ sớm có các loại vũ khí tương tự.
"Lầu Năm góc hiện rất lo lắng về vũ khí siêu vượt âm mới. Đơn giản là họ chưa có phương tiện và vũ khí để ngăn chặn", chuyên gia Alexander Mikhailov nhận định.
Dù đã đổ nhiều tỷ USD vào các chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm, nhưng Mỹ vẫn chưa thu được thành tựu tương xứng. Ảnh: Defense News. |
Ngay sau Thông điệp Liên bang năm 2018 của Nga công bố hàng loạt vũ khí siêu vượt âm mới, Lầu Năm góc đã ký hàng loạt thỏa thuận mới với Lockheed Martin và Raytheon, Boeing về việc phát triển các loại vũ khí phòng thủ mới.
Tất cả các dự án vũ khí siêu vượt âm của Mỹ như: HYVINT hay SM3-HAWK hiện vẫn dừng ở mức phác thảo dự án và chưa thể trở thành vũ khí hoàn chỉnh trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, không chỉ vì sự tự tôn, mà còn là vấn đề an ninh quốc gia, Mỹ sẽ không bao giờ mua các loại vũ khí ở tầm chiến lược từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nga.
Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Nga, Alexei Leonkov cho rằng, ý tưởng của Tổng thống Vladimir Putin khó có thể trở thành hiện thực.
"Có một sự thật ai cũng biết là Mỹ chưa bao giờ mua vũ khí cấp chiến lược từ Nga, đặc biệt khi nó là vũ khí siêu vượt âm tương lai", ông Alexei Leonkov cho biết.
Theo đánh giá của chuyên gia Alexei Leonkov, tuyên bố của Tổng thống Nga về việc bán vũ khí siêu vượt âm cho Mỹ đơn giản là lời đáp trả với tuyên bố của ông John Bolton.
"Đây thực sự là một cách đáp trả thâm thúy và hài hước của nhà lãnh đạo nước Nga", ông Alexei Leonkov nói.