Nga bắn tàu Ukraine: Tổng tư lệnh Ukraine ra lệnh toàn quân báo động tác chiến toàn diện

Hải Võ |

Hành động của quân đội Ukraine tiến hành song song với đề xuất của tổng thống Petro Poroshenko trình Quốc hội nước này về thiết quân luật toàn quốc trong 60 ngày.

Ukraine báo động quân đội, đề xuất thiết quân luật toàn quốc

Bộ quốc phòng Ukraine ngày hôm nay, 26/11, ra thông báo: "Nhằm phối hợp với quyết định của Hội đồng an ninh và quốc phòng quốc gia về [đề xuất] thiết quân luật, Tổng tham mưu trưởng và Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine ra lệnh đặt các đơn vị của Các lực lượng vũ trang Ukraine vào tình trạng cảnh báo chiến đầu toàn diện".

Trước đó, Thư ký Hội đồng an ninh và quốc phòng quốc gia Ukraine ông Alexander Turchinov cho biết đề xuất áp đặt thiết quân luật trên phạm vi toàn quốc trong 60 ngày của Hội đồng đã được tổng thống Poroshenko ủng hộ và trình Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine phê duyệt. Phiên họp của Quốc hội để thảo luận và bỏ phiếu đề xuất này dự kiến tổ chức vào 16h00 hôm nay (giờ Kiev, tức 21h theo giờ Việt Nam).

Ông Poroshenko khẳng định đề xuất thiết quân luật không ảnh hưởng tới hoạt động của quân đội chính phủ tại vùng Donbass, và lực lượng tại đây sẽ không bị điều động khẩn. Trong cuộc họp nội các, ông nói việc thiết quân luật không phải là một tuyên bố chiến tranh [với Nga], mà chỉ nhằm bảo đảm các mục đích phòng thủ.

Trong căng thẳng leo thang vào sáng ngày 25, ba tàu hải quân của Ukraine - di chuyển từ Odessa ở biển Đen tới cảng Mariupol ở biển Azov thông qua eo biển Kerch - đã bị lực lượng Nga nổ súng và bắt giữ, khiến 6 thủy thủ Ukraine bị thương, theo tin từ Guaridan (Anh).

Theo phóng viên kênh Rossiya-24 (Nga), lực lượng an ninh Nga đã sử dụng một tàu hàng để phong tỏa hoàn toàn lối đi bên dưới cây cầu qua eo biển Kerch, trong khi các chiến cơ của quân đội Nga cũng xuất hiện để yểm trợ trên không.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc bà Nikki Haley xác nhận, theo đề nghị từ Kiev, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ tổ chức phiên họp khẩn vào hôm nay để thảo luận vụ việc.

Nga bắn tàu Ukraine: Tổng tư lệnh Ukraine ra lệnh toàn quân báo động tác chiến toàn diện - Ảnh 1.

Cuộc họp Hội đồng an ninh Ukraine sau vụ căng thẳng ngày 25/11 (Ảnh: Mykhailo Markiv / Ukrainian Presidential Press Service

Vùng biển Azov, đặc biệt là eo biển Kerch, là khu vực mâu thuẫn nhạy cảm giữa Nga và Ukraine trong nhiều tháng qua, khi Moskva hoàn thành và đưa vào sử dụng cây cầu trị giá 3.69 tỉ USD qua eo biển này, nối liền bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 với lục địa Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự lễ chính thức thông cầu vào tháng 5 năm nay.

Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) xác nhận, các tàu tuần tra của nước này ngày 25 đã bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine và sử dụng vũ lực để buộc các tàu này dừng lại. Moskva khẳng định chiến hạm Ukraine đã "xâm nhập trái phép khu vực phong tỏa tạm thời trong lãnh hải Nga".

FSB cảnh báo, "trước khi đưa ra những quyết định nguy hiểm và thiếu trách nhiệm thì ban lãnh đạo Kiev cần suy nghĩ thấu đáo về những hậu quả tiềm ẩn từ hành động của họ".

Trong phiên họp với tổng thống Ukraine được phát trên truyền hình, các chỉ huy quân sự nước này nói rằng có 23 thủy thủ Ukraine đã bị Nga bắt giữ và 6 người bị thương trong khi xung đột, trong đó 2 người bị thương nặng.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin lên tiếng, cho rằng "nhiều khả năng Nga có kế hoạch leo thang hành động gây hấn trên biển và trên bộ", đồng thời khẳng định Kiev phải "sẵn sàng" sau khi tổng thống gửi Quốc hội đề xuất áp đặt thiết quân luật.

Châu Âu, NATO kêu gọi kiềm chế

Guardian cho hay, cuộc bỏ phiếu thiết quân luật diễn ra vào thời điểm 4 tháng trước kỳ bầu cử tổng thống của Ukraine - mà ông Poroshenko đang gặp nhiều bất lợi. Nếu các nghị sĩ quyết định thiết quân luật và đình chỉ tạm thời chính phủ dân sự, cuộc bầu cử có thể bị hoãn lại.

Ngay cả trong giai đoạn căng thẳng leo thang đỉnh điểm giữa hai nước khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 cho đến nay, và cả trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, chính phủ Kiev vẫn chưa lần nào phải thiết quân luật.

Bà Maja Kocijančič, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề đối ngoại và an ninh, thúc giục Moskva và Kiev cùng kiềm chế để "hạ nhiệt tình hình ngay lập tức". Bà cũng khẳng định EU sẽ không thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea.

Đại diện tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Oana Lungescu cho biết, liên minh "đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở biển Azov và eo biển Kerch", cũng như kêu gọi hai nước liên quan kiềm chế.

Hồi tháng 9, hải quân Ukraine đã phàn nàn về "những hành động khiêu khích" của lực lượng an ninh biên giới Nga khi các tàu Ukraine đi qua tuyến đường biển nêu trên. Gần đây, Kiev cũng tăng cường số lượng tàu hải quân và tuần tra biên giới trên biển Azov để đáp trả các vụ kiểm tra tàu hàng do Nga tiến hành.

Chính phủ Ukraine cùng phương Tây chỉ trích Nga cố ý ngăn cản tàu bè tiếp cận Mariupol - giao điểm quan trọng với nền công nghiệp nặng của khu vực. Thành phố này nằm gần khu vực do phe ly khai Ukraine kiểm soát ở vùng Donbass.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại