Theo nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Serbia Aleksandar Vulin về hoạt động bàn giao tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 trong chuyến thăm đến Belgrade hôm 17/2 vừa rồi.
Nguồn tin cũng nhấn mạnh, các binh sĩ Serbia đã trải qua các giai đoạn huấn luyện và đã sẵn sàng vận hành hệ thống vũ khí mới.
Trước đó, hôm 24/10/2019, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo Belgrade đã đặt hàng các hệ thống tên lửa/pháo phòng không Pantsir của Nga.
Hồi tháng Một đầu năm nay, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quân sự của Nga đã tiết lộ với hãng tin Itar Tass rằng, hoạt động bàn giao tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 cho Seriba dự kiến bắt đầu diễn ra vào cuối tháng Hai.
Nga và Syria đã ký một thỏa thuận theo đó Nga sẽ cung cấp cho nước láng giềng một tiểu đoàn gồm 6 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1.
"Thỏa thuận mua bán một tiểu đoàn Pantsir-S1 đã được ký hồi năm ngoái. Công việc đang được tiến hành và hoạt động bàn giao sẽ được hoàn tất trong năm 2020," nguồn tin cho hay.
Với hợp đồng nói trên, Nga đã bán cho nước láng giềng một trong những vũ khí đáng gờm hàng đầu của nước này. Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 hiện đang được xuất khẩu đến nhiều nước trong đó có Serbia, Việt Nam, Syria, Jordan, Iran, Iraq và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.
Pantsir-S (NATO gọi là: SA-22 Greyhound) là một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không ở tầm ngắn và tầm trung. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến nhất của Nga hiện nay.
Mỗi tổ hợp phòng không Pantsir-S gồm 2 khẩu pháo phòng không tự động 2 nòng 30 mm và các tên lửa đất - đối - không 57E6 cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến.
Hiện tại, đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.
Các tổ hợp phòng không Pantsir-S thường được sử dụng để bảo vệ những khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như tên lửa S-300 hay tên lửa S-400.
Hệ thống Pantsir-S được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất và trong khi di chuyển có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc hai tên lửa vào mục tiêu. Theo đánh giá của các chuyên gia, trên thế giới không có loại tổ hợp tương tự cùng loại nào.
Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 cùng với các tên lửa phòng không S-300 và S-400 là những vũ khí hàng đầu thường được Nga triển khai ở những địa điểm trọng yếu.
Pantsir-S1 cũng có mặt ở chiến trường Syria và phát huy hiệu quả sức mạnh của nó để chặn đứng nhiều cuộc tấn công của phe nổi dậy cũng như các nhóm khủng bố nhằm vào lực lượng Nga và Syria.
Hồi năm ngoái, các hệ thống phòng không Pantsir và Tor-M1 của Nga đã đánh chặn và hạ gục 27 quả tên lửa mà lực lượng chiến binh phóng ồ ạt vào căn cứ Hmeymim (hay còn được viết là Khmeimim) trên lãnh thổ Syria.
Theo Trung tâm Hòa giải các bên xung đột ở Syria của Nga, không có bất kỳ quả đạn nào chạm được tới căn cứ của họ.