Ngày 21/2, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng các báo cáo về hàng trăm nghìn người Syria phải rời khỏi tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria, theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ là "sai sự thật," đồng thời hối thúc Ankara cho phép người dân tỉnh này được tới các khu vực khác trên lãnh thổ Syria .
Tuyên bố trên được đưa ra tại thời điểm Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đang sử dụng các máy bay không người lái và nhiều nguồn khác để giám sát tình hình tại Idlib.
Bộ này cũng cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một lượng lớn vũ khí hạng nặng và đạn dược tới Idlib trong những tuần gần đây.
Cùng ngày, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Nga đang thảo luận khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Syria với tổng thống các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức.
Theo ông, hiện chưa có bất kỳ quyết định chắc chắn nào, song ông "không loại trừ khả năng diễn ra một hội nghị như vậy."
Trong ngày 20/2, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo tại Idlib, đồng thời hối thúc sớm chấm dứt cuộc xung đột tại đây.
Trong một diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Pháp, Đức hỗ trợ chấm dứt khủng hoảng nhân đạo ở Idlib.
Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/2 cho biết Tổng thống Tayyip Erdogan đã điện đàm yêu cầu các nhà lãnh đạo Pháp và Đức cung cấp sự hỗ trợ "cụ thể" để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Idlib ở miền Tây Bắc Syria, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực này.
Nhà lãnh đạo Ankara cho rằng chiến sự tại Idlib phải chấm dứt.
Trước tình hình nói trên, ngày 21/2, Liên hợp quốc đã nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Tây Bắc Syria, đồng thời lo sợ rằng tình hình bạo lực "có thể kết thúc bằng một cuộc tàn sát đẫm máu."
Phát biểu họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Jens Laerke nêu rõ cần phải ngăn chặn tình hình bạo lực tại Syria trước khi nó biến thành điều mà cộng đồng quốc tế lo sợ có thể kết thúc bằng một cuộc tàn sát đẫm máu.
Năm 2018, Nga (đồng minh quan trọng của Chính phủ Syria) và Thổ Nhĩ Kỳ (vốn ủng hộ một số nhóm phiến quân tại Syria) đã ký kết thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Idlib.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, bạo lực gia tăng tại đây trong bối cảnh lực lượng Chính phủ Syria, với sự hậu thuẫn của Nga, đã đạt nhiều tiến triển trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát khu vực được coi là thành lũy cuối cùng của phiến quân trên lãnh thổ Syria này.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiến dịch trên vi phạm thỏa thuận đã ký kết và tiến hành các cuộc tấn công đáp trả.
Ankara và Moskva đã tiến hành hai vòng đàm phán để tìm cách giảm căng thẳng nhưng không đạt được thỏa thuận.
Tương tự như vòng đàm phán đầu tiên tại Ankara hồi tuần trước, vòng đàm phán thứ hai tại Moskva kết thúc hôm 18/2 mà không thể đi đến quyết định cuối cùng về cách thực thi thỏa thuận ở Idlib.