Nga-Ấn và cú đánh lịch sử: Mỹ gặp "ác mộng choáng váng"

Ngọc Huy |

Trong chuyến thăm chính thức tới New Delhi của TT Putin, Nga-Ấn Độ đã chính thức ký thỏa thuận cung cấp 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf trị giá tới 5,4 tỷ USD.

Thỏa thuận này được ký bất chấp sự phản đối của Mỹ, thậm chí Washington còn dọa áp đặt cấm vận kinh tế với Ấn Độ nếu New Delhi quyết tâm mua tên lửa S-400.

Ông Sergey Chemezov - TGĐ Tập đoàn Rostec tuyên bố:

"Thỏa thuận xuất khẩu tên lửa phòng không S-400 đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Ấn Độ.

Hợp đồng này đã minh chứng cho mối quan hệ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau ở mức cao nhất giữa Nga và Ấn Độ. Tôi chắc chắn rằng thỏa thuận này cũng sẽ là bản lề để tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp dân dụng giữa 2 quốc gia".

Thực tế, Mỹ có nhiều lý do để lo ngại về việc Ấn Độ sở hữu tên lửa S-400. Điều này không chỉ gây tổn hại tới ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ tại Nam Á, quyền lợi của các nhà thầu vũ khí Mỹ, mà còn tạo tiền lệ xấu khi các quốc gia được coi là đồng minh của Washington quay lại mua vũ khí Nga.

Nga-Ấn và cú đánh lịch sử: Mỹ gặp ác mộng choáng váng - Ảnh 1.

Hợp đồng mua bán tên lửa S-400 đã được Nga-Ấn chính thức ký kết.

S-400 khiến ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ tại Nam Á lung lay

Một điều dễ nhận biết rằng, hợp đồng mua S-400 của New Delhi là nhằm thẳng vào Pakistan và Trung Quốc. Giới quan sát quân sự nhận định, với những tổ hợp tên lửa phòng không tối tân bậc nhất Thế giới này, Ấn Độ đã có khả năng phòng thủ tốt trước một cuộc tấn công bằng tên lửa có giới hạn từ Pakistan.

Thậm chí, với tầm bao quát tới 600km và đánh chặn cùng lúc 80 mục tiêu trên không, tên lửa S-400 bố trí tại nhiều địa điểm có thể bao quát gần như toàn bộ không phận quốc gia Nam Á vốn có truyền thống "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" với Ấn Độ.

Ai là đồng minh quan trọng của Pakistan hiện tại chắc hẳn cũng không cần phải giải thích. Những khoản viện trợ quân sự quy mô lớn, hợp tác quân sự dài hạn của Pakistan hiện là Mỹ. Washington cũng đang lợi dụng xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ để kiềm chế và mặc cả với New Delhi.

Tuy nhiên, điều này sẽ hoàn toàn đổi khác với việc Ấn Độ sở hữu S-400! Pakistan đang ngồi trên đống lửa, khi an ninh quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc Ấn Độ có S-400, Mỹ không thể can thiệp để New Delhi dừng hợp đồng với Nga.

Sẽ dễ hiểu tại sao Islamabad sắp tới sẽ "lạnh nhạt" với Mỹ để tìm đối tác mới có khả năng kiềm chế Ấn Độ. Đối tác mới của Pakistan rất có thể là Trung Quốc, thậm chí có thể là Nga. Nếu điều đó xảy ra, chiến lược của Mỹ tại khu vực Nam Á và thậm chí tại nhiều khu vực khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều này giúp giải thích một phần nguyên nhân tại sao Mỹ lại không muốn Ấn Độ có tên lửa S-400.

Nga-Ấn và cú đánh lịch sử: Mỹ gặp ác mộng choáng váng - Ảnh 2.

Với tên lửa S-400, Ấn Độ sở hữu trong tay thứ vũ khí phòng thủ cực kỳ hữu hiệu.

"Cơn ác mộng" S-400 với các nhà thầu vũ khí Mỹ

Khi đánh giá về sức hấp dẫn của tổ hợp S-400 trên thị trường vũ khí quốc tế, giới chuyên gia quân sự Mỹ từng nhận định, với tính năng vượt trội so với các sản phẩm tên lửa phòng không cùng thời của Mỹ và phương Tây, S-400 không chỉ có sức cạnh tranh mạnh mẽ, mà còn đe dọa tới các dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5.

Nhận xét này rõ ràng tới thời điểm hiện tại đang dần trở thành hiện thực khi rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả đồng minh thân cận của Mỹ chọn mua S-400.

Điều này có thể thấy rõ khi các quốc gia khu vực Cận Đông, nơi vốn được xem là "mỏ vàng" của các nhà thầu vũ khí Mỹ, thời gian gần đây đang chuyển hướng mua vũ khí Nga, trong đó có S-400.

Những đặc điểm kỹ chiến thuật phù hợp, giá rẻ và quan trọng hơn là sự khôi phục ảnh hưởng của Moscow tại khu vực rốn dầu mỏ thế giới này đã thuyết phục các được các tiểu vương Ả rập móc hầu bao.

Một ví dụ điển hình khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp sức ép từ Mỹ và phương Tây, Ankara dù là thành viên của NATO vẫn chọn mua tên lửa S-400.

Tính năng vượt trội của S-400 chỉ là một phần lý do chọn lựa của Ankara, điều quan trọng hơn là Thổ Nhĩ Kỳ đang cần Nga để trở thành một cực ảnh hưởng tại Cận Đông, cũng như tạo sức ép buộc Mỹ và phương Tây phải chia sẻ nhiều công nghệ quân sự hiện đại hơn.

Và một bước tiến quan trọng khác chính là hợp đồng 5,4 tỷ USD vừa ký tại Ấn Độ. Đây có thể coi là con bước ngoặt quan trọng tạo hiêu ứng domino!

Nga-Ấn và cú đánh lịch sử: Mỹ gặp ác mộng choáng váng - Ảnh 3.

Tên lửa phòng không S-400 luyện tập chuẩn bị cho Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Nếu nhiều quốc gia trước đây mới chỉ quan tâm tới tên lửa S-400, thì sau hợp đồng giữa Nga và Ấn Độ, họ sẽ có thêm quyết tâm để sở hữu tổ hợp phòng không tầm xa hiện đại từ Nga này.

Nga thì chắc chắn không bỏ qua cơ hội này. Những dây chuyền lắp ráp S-400 đã được Tập đoàn Almaz-Altay mở rộng trong nhiều năm qua sau khi đáp ứng đủ nhu cầu dòng vũ khí phòng không hiện đại này cho Quân đội Nga, sẽ tập trung cho xuất khẩu.

Việc S-400 đắt hàng còn mở ra tương lai các hợp đồng tỷ USD cho các gói nâng cấp và hậu cần các quốc gia sở hữu chúng, cũng như nguồn tài chính cần thiết để phát triển thế hệ tên lửa phòng không mới như S-500 Prometheus… Rõ ràng tư duy làm kinh tế của người Nga đã khác nhiều so với thời Liên Xô!

Và như quan hệ "mâu-thuẫn", khi Nga đạt được thành công vang dội với S-400, thì lại câu chuyện buồn với các nhà thầu quân sự Mỹ.

Các hợp đồng S-400 không chỉ cướp đi các hợp đồng xuất khẩu vũ khí cùng loại trị giá hàng tỷ USD của Mỹ và phương Tây mà còn hơn thế nữa, đúng như dự đoán của các chuyên gia quân sự Mỹ, sự phổ biến của S-400 trong tương lai còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ.

Khi hầu bao bị ảnh hưởng, các nhà tài phiệt quân sự Mỹ bằng nhiều cách sẽ buộc chính giới nước này can thiệp.

Điều này giúp giải thích tại sao trong thời gian qua, Mỹ lại luôn nỗ lực ngăn các hợp đồng xuất khẩu tên lửa S-400 của Nga bằng cách gây sức ép, dọa cấm vận… Đó là cách làm thực dụng của người Mỹ!

Tên lửa phòng không S-400 Nga thực hành bắn đạn thật.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại