Lên Twitter nạt nộ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng TT Trump nhận kết quả "tủi hổ" khi điện đàm với ông Erdogan?

Hải Võ |

Tổng thống Donald Trump đã bị "áp đảo" trước đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - nguồn tin trong cuộc từ Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) Mỹ nói với Newsweek.

Tổng thống Trump thất thế trong đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ?

Trong cuộc điện đàm chiều Chủ nhật (6/10, giờ địa phương) giữa ông Trump và ông Erdogan, tổng thống Mỹ nói ông sẽ rút lực lượng Mỹ khỏi miền Bắc Syria.

Cuộc điện đàm được thực hiện sau tuyên bố về kế hoạch đưa quân vào Syria của Ankara, vài giờ sau khi ông Erdogan ra lệnh tăng cường các đơn vị đến biên giới với Syria và đưa ra đe dọa mạnh mẽ nhất về việc phát động chiến dịch quân sự.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng, sự rút lui của lực lượng Mỹ khỏi Syria đã khiến Washington rơi vào tròng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad và cả Nga, đồng thời tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ làm cho Bộ quốc phòng Mỹ "hoàn toàn choáng váng".

"Tổng thống Trump hoàn toàn thất thế trong thương lượng và chỉ tán đồng việc rút quân [Mỹ] để tỏ ra như chúng ta đang đạt được điều gì đó, nhưng chúng ta không đạt được gì cả," nguồn tin ẩn danh từ NSC nắm trực tiếp thông tin về cuộc điện đàm Trump-Erdogan nói với Newsweek hôm 7/10.

"An ninh quốc gia Mỹ đã rơi vào trạng thái nguy hiểm gia tăng trong nhiều thập kỷ tới bởi tổng thống không có can đảm [giữ lập trường trước Thổ Nhĩ Kỳ], và đó là giới hạn cuối cùng."

Theo nguồn tin, không có gì ngạc nhiên nếu chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ được phát động trong vòng 24-96 tiếng đồng hồ sau cuộc gọi của ông Erdogan với ông Trump. Ngày 8/10, đại diện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo công đoạn chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn tất và lực lượng của nước này sẽ "nhanh chóng" vượt qua biên giới để tiến vào lãnh thổ Syria.

Lên Twitter nạt nộ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng TT Trump nhận kết quả tủi hổ khi điện đàm với ông Erdogan? - Ảnh 2.

Lực lượng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung trên bộ theo khu vực cơ chế an ninh ở Đông Bắc Syria, ngày 8/9/2019 (Ảnh: Alec Dionne / U.S. ARMY via Reuters)

Từ lâu, Ankara coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria - thành phần nòng cốt trong Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn - là một tổ chức khủng bố có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, SDF là đồng minh được Mỹ viện trợ quân sự và tài chính trong cuộc chiến chống IS.

Cuộc chiến trước đối thủ vượt trội về sức mạnh quân sự là Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - trong khi Mỹ lui lại phía sau được cho là có thể khiến người Kurd ngả vào tay chính quyền Assad cũng như Moskva, hai đối thủ của Washington.

Dù ông Trump đưa ra cảnh báo mạnh mẽ trên Twitter về việc "xóa sổ" nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu lực lượng nước này hành động "vượt giới hạn", nguồn tin NSC cho biết ông chủ Nhà Trắng không nêu đe dọa trừng phạt kinh tế trong cuộc điện đàm với Erdogan.

Thông cáo của thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham nêu, "Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ không ủng hộ hay liên quan đến chiến dịch [của Thổ Nhĩ Kỳ], và lực lượng Mỹ - sau khi đã đánh bại nhóm IS - sẽ không tiếp tục hiện diện ở khu vực lân cận."

Báo New York Times ngày 7/10 đưa tin, khoảng 100 đến 150 lính Mỹ sẽ rời khỏi miền Bắc Syria. Lầu Năm Góc ngày 8/10 xác nhận, lính Mỹ được di chuyển khỏi những khu vực có khả năng nằm trên lộ trình tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ "nhằm bảo đảm an toàn", nhưng hiện diện của Mỹ tại Syria không có gì thay đổi.

Một trong vấn đề chính được Trump-Erdogan thảo luận là 2.000 tù binh IS đang được giam giữ trong địa bàn của SDF ở Syria. Trump nói ông không muốn dính dáng đến tù binh IS, SDF hiện đang giám sát số tù nhân này. Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận quyền giám sát số tù binh IS.

Chính sách đối ngoại rạn nứt làm Mỹ yếu thế

Theo nguồn tin NSC của Newsweek, nếu Mỹ từ chối "tránh đường" cho chiến dịch của Ankara thì lựa chọn mà Washington có không chỉ gồm cảnh báo đụng độ giữa quân đội hai nước, mà còn có thể gây sức ép lên nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, quan chức này đánh giá, Nhà Trắng đã lựa chọn không tiếp tục giữ lập trường bảo vệ lực lượng người Kurd trước các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ - như một phần trong chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Trump và quan điểm lịch sử của ông rằng chiến tranh là bất lợi cho hoạt động kinh doanh.

Trước khi Trump tuyên bố rút quân khỏi Bắc Syria, Mỹ vẫn đang cố gắng thiết lập một vùng phi quân sự, được biết đến như "vùng đệm" hay hành lang hòa bình, nhằm ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng từ Ankara.

Theo Newsweek, sự đổ vỡ của chính sách đối ngoại hiện nay chính là nguyên nhân thúc đẩy cựu bộ trưởng quốc phòng James Mattis từ chức, sau khi ông Trump thông báo kế hoạch rút lực lượng Mỹ khỏi Syria vào tháng 12/2018.

Việc rút hoàn toàn lực lượng Mỹ cũng đi kèm rủi ro tiềm tàng là từ bỏ vị thế tại khu vực có giá trị với quân đội Mỹ và có tác động đến lợi ích của Mỹ trong khu vực, bao gồm lợi ích của các đồng minh quan trọng như Israel hay Jordan.

Ông Trump ngày 8/10 thông báo về việc tiếp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Washington vào ngày 13/11. Ông ca ngợi Ankara là "một đối tác thương mại lớn" và tham gia vào dự án chế tạo chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, cũng như hỗ trợ giải cứu nhiều sinh mạng tại tỉnh Idlib, Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại