Cả gia đình mất việc làm
Điều này xuất phát từ nhu cầu trợ cấp thực phẩm tăng cao đột biến của những người dân thu nhập thấp.
Các túi cam, khoai tây ngọt, và hành tây được bày trên 3 bàn ở khu chợ ngoài trời tại Washington Heights, khu dân cư ở phía bắc của Mahattan. Sữa tiệt trùng, cá thu và cá hồi đóng hộp được bày ở 3 bàn còn lại.
Hàng trăm người đến đây vào cuối tuần để nhận lấy thực phẩm miễn phí tại một trong nhưng trung tâm phân phối tại City Harvest, một tổ chức từ thiện lớn có trụ sở ở New York.
Không có cảnh từng hàng người xếp hàng chờ nhận món súp nóng hổi như hồi đại Khủng hoảng những năm 1930. Thay vào đó, mọi người đến khu chợ thường đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác theo sự hướng dẫn của các nhân viên tình nguyện trong khu chợ.
Trong số những người tới lấy thực phẩm phát miễn phí là cô Lina Alba, 40 tuổi, mẹ đơn thân của 5 đứa con có độ tuổi từ 11- 23. Cách đây 2 tuần, cô Lina vẫn còn là 1 nhân viên phục vụ tại một khách sạn ở Mahattan. Hai đứa con lớn nhất của cô cũng đã bị mất việc làm.
"Đây là lần đầu tiên tôi phải đi lấy thực phẩm miễn phí. Chúng tôi cần trợ giúp vì không biết điều gì sẽ xảy ra trong những tuần tới đây" trích lời cô Lina.
Tuy vậy, cô Alba vẫn giữ vững sự lạc quan. "Ít nhất tôi có thời gian chơi với mấy đứa con. Tôi vừa làm mẹ vừa làm cô giáo. Tôi làm mọi việc. Chúng tôi vẫn còn sống và khỏe mạnh. Bây giờ chỉ cần cầu nguyện"
Phải mất 1 tuần bà mẹ đơn thân mới hoàn thành việc đăng kí trợ cấp thất nghiệp vì dịch vụ công này đang trong tình trạng quá tải. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao hơn rất nhiều so với con số mới do chính phủ liên bang mới công bố hôm thứ 5 tuần trước. Cô Alba sẽ bắt đầu nhận trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần tới. Cô hi vọng sẽ sớm nhận được tối thiểu 1200 USD trợ cấp từ chính phủ liên bang, trích từ gói hỗ trợ tài chính lớn chưa từng có vừa được Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước.
"Số tiền đó là không đủ nhưng cái gì nhận miễn phí bây giờ cũng tốt" vì rất nhiều người đang cần giúp đỡ.
Ông Jose Neri, 51 tuổi, một trong những nhân viên gốc Mỹ La Tinh, từng là nhân viên phục vụ tại nhà hàng của New York. Đây cũng là lần đầu tiên ông tới nhận trợ cấp tại ngân hàng thực phẩm.
Gia đình ông có 5 người. "Chúng tôi đang dùng tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống" ông nói bằng tiếng Tây Ban Nha, vẫn đeo khẩu trang và găng tay để đề phòng việc lây nhiễm virus. Ông cũng đang trông đợi vào khoản trợ cấp của chính phủ cho người lao động có thu nhập thấp.
Cô Jhordana Ramirez, 39 tuổi, vẫn phải đi làm cho dù đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao. Cô chia sẻ bằng tiếng Tây Ban Nha là mình hiện là nhân viên chăm sóc người già, những người hoàn toàn không thể tự chăm sóc bản thân.
Số người nghèo tăng gấp 3
Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình cô Ramirez. Chồng cô và con gái lớn nhất rơi vào cảnh thất nghiệp. Còn cô con gái nhỏ 8 tuổi rất lo lắng.
Theo cô Ramirez, "Tôi cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, đặt biệt là tiền thuê nhà, tiền điện, truyền hình cáp, thực phẩm và các thứ khác" Cô cũng đang mong chờ nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ.
Đây là những câu chuyện mà nhân viên của tổ chức từ thiện City Harvest Geraldine Fermin được nghe nhiều lần, kể từ phần lớn thành phố New York đóng cửa 2 tuần trước. " Thật sự tồi tệ khi có quá nhiều người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Người nghèo càng nghèo hơn. Những người có công việc thu nhập thấp bây giờ cũng trở thành người nghèo"
Theo ông Eric Ripert, phó chủ tịch tổ chức City Harvest, "Trước đây có khoảng 1,2 triệu người người nghèo tại New York cần trợ cấp thực phẩm. Bây giờ con số này tăng lên gấp 3 lần, khoảng 3 triệu người". Ông Ripert cũng điều hành 1 nhà hàng khá nổi tiếng có tên là Le Bernadin, nhưng nó cũng phải đóng cửa vì dịch corona.
Ông Ripert cho biết ngoài phân phối thực phẩm ở chợ thì tổ chức này còn phát thực phẩm cho 400 nhà tạm trú cho người vô gia cư nữa. Hiện tại, City Harvest đang rất thiếu kinh phí để mua thực phẩm và đang phối hợp các tổ chức từ thiện khác để đối phó với tình hình ngày 1 xấu đi.
"Chúng tôi đã trải qua vụ khủng bố 11/9, cuộc đại suy thoái 2008-2009, và nhiều thứ khác nhưng chưa có sự kiện nào có quy mô ảnh hưởng lớn như dịch bệnh COVID-19" trích lời ông Ripert.