Sau 2 năm có bằng huấn luyện viên lái xe chuyên nghiệp do BMW cấp, anh Lê Anh vẫn tiếp tục công việc kinh doanh trong ngành xây dựng. Khi có thời gian rảnh rỗi, anh tham gia các chương trình trải nghiệm xe của BMW trong vai trò Instructor, bên cạnh một số những hoạt động nâng cao kỹ năng lái xe tại Việt Nam.
Anh hiện là người Việt Nam duy nhất và cũng là một trong 5 người có chứng nhận huấn luyện viên BMW chuyên nghiệp tại khu vực Đông Nam Á. Vị doanh nhân 34 tuổi tham gia khóa học này cách đây 2 năm với hành trang duy nhất, niềm đam mê xe cộ.
Xin chào anh Lê Anh, rất vui khi được ngồi trò chuyện cùng anh. Câu hỏi đầu tiên là cơ duyên nào đưa anh tới khóa học huấn luyện viên BMW chuyên nghiệp?
Trước đây, tôi cũng đã từng tham gia nhiều chương trình trải nghiệm xe Driving Experience ở Việt Nam, như Porsche, Mercedes-Benz hay BMW. Tất cả những chương trình đó, tôi đều được giải nhất, thậm chí là điểm cao hơn rất nhiều so với người đứng vị trí số 2.
Nhưng phải đến một lần, BMW Việt Nam kết hợp với BMW Asia tổ chức trải nghiệm xe ở Lombok, Indonesia dành cho chủ nhân xe MINI khu vực Đông Nam Á. Khi tiếp xúc với những huấn luyện viên lái xe như vậy thì tôi rất thích, cảm thấy họ rất thông thái và chuyên nghiệp.
Thì cũng tại đây, tôi gặp người đứng đầu BMW và MINI khu vực châu Á. Tôi quyết định đặt vấn đề với ông ta rằng, làm thế nào để trở thành một huấn luyện viên lái xe quốc tế như vậy, thì lúc này mới biết khóa học này rất đặc biệt, chỉ dành cho những chuyên gia trong ngành. Và đặc biệt ở chỗ, thông tin khóa học không công khai ra bên ngoài. Thậm chí là có rất ít thông tin trên mạng Internet.
Ngoài chi phí đi học, tôi phải mất đến 6 tháng liên tục làm việc với BMW bên Singapore về giấy tờ, thủ tục và tham gia nhiều bài thi để có được suất đi Đức.
BMW Việt Nam có hỗ trợ gì trong suốt quá trình đăng ký và đi học ở Đức?
Có một điều rất thú vị là BMW Việt Nam không biết tới khóa học này. Nhưng vì tôi mang quốc tịch Việt Nam, nên cần giấy giới thiệu của BMW nước sở tại giới thiệu với bên Đức là tôi là người của BMW thì mới có tham gia khóa học này. Sau đó, BMW Việt Nam ký một tờ giấy giới thiệu gửi sang bên Đức, còn lại thủ tục, giấy tờ và thi đầu vào là tôi tự lo hết.
Sau khi hoàn tất giấy tờ, thì cuối cùng BMW bên Đức đã liên hệ. Họ gửi tất cả giấy tờ, thủ tục đăng ký và thông báo mức chi phí. Sau khoảng 9 tháng cho bước chuẩn bị, tôi chính thức bay sang Đức để tham gia khóa học. Khóa học dài khoảng 3 tuần.
Anh gặp những khó khăn nào khi tham gia khóa học này?
Rất nhiều. Đầu tiên là chênh lệch về thời tiết. Ở Đức rất lạnh, thấp nhất có thể xuống 4-5 độ C và thường xuyên phải đứng ngoài trời. Và thứ 2 là đối thủ của tôi là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc lái xe.
Có những người là chuyên gia của hãng, đang làm trong BMW. Có người thì đến từ Úc, mỗi năm luyện tập khoảng 10.000 km bài tập của BMW trong vòng 20 năm. Có người vô địch châu Âu về khả năng lái xe, có người lại vô địch Phần Lan. Lúc đó, thực sự tôi thấy ngợp, vì họ đều là chuyên gia trong lĩnh vực lái xe.
Khóa học gồm 3 phần, lý thuyết, thuyết trình và thực hành. Ngay khi họ phát câu hỏi lý thuyết, tôi đọc qua và thấy chỉ trả lời được đúng 3-4 câu, vì bản thân mình không biết gì hết. Ví dụ như khi xe vào cua thì động lực bánh xe như thế nào, xe phanh lại thì bánh xe sẽ ra sao,...
Nếu bây giờ bắt tôi trả lời lại 100 câu hỏi đó chắc tôi cũng không vượt qua được. Câu hỏi lý thuyết khó ở chỗ, là đáp án không nằm gọn ở 1, 2, 3 hay 4. Có thể là 1, 3 đúng, có thể là 1, 2, 3 đúng, mà cũng có thể là cả 4. Câu trả lời được tính điểm khi chọn được đủ các đáp án.
Tiếp theo là phần thuyết trình. Tôi đã có kinh nghiệm thuyết trình trước đám đông, nhưng ở thời điểm đó, câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi chưa nắm được tiếng Anh chuyên ngành, vì lúc đó chưa biết gì về ô tô cả, không biết máy móc, không biết động lực học. Mọi thứ như mới. Và càng khó hơn khi thuyết trình phải tỏ ra mình giống như một huấn luyện viên lái xe thực sự.
Tôi thường đứng đầu các chương trình lái xe tại Việt Nam nhưng ra nước ngoài lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Vậy anh làm thế nào để vượt qua?
Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc. Tôi gặp ông huấn luyện viên trưởng và bịa ra một cuộc họp gấp ở Việt Nam. Thậm chí lúc ấy tôi còn hỏi rằng có thể lấy nửa tiền về không, mục đích để gỡ gạc một chút để mua sắm trước khi về nước. Chi phí để tham gia khóa học hết khoảng 200 triệu đồng.
Nhưng ông huấn luyện trưởng lắc đầu và nói với tôi rằng, học một ngày cũng như học 1 khóa, không được lấy lại tiền, buộc phải học đến cùng hoặc bỏ dở tùy ý. Vì tiếc tiền, nên tôi quyết định ở lại học tiếp, và may mắn làm sao vượt qua được cả 2 phần, lý thuyết và thuyết trình.
Để vượt qua, ngoài sự cố gắng và may mắn, còn nhờ sự trợ giúp của một người bạn Đức và bạn người Singapore. Bài thi thuyết trình là bất ngờ nhất khi tôi được đánh giá cao nhất lớp và gây được tiếng cười trong lúc thuyết trình.
Nhưng khó nhất là phần thực hành. Nếu như thời gian để tham gia khóa học là 100%, thì chỉ có 10% dành cho lý thuyết và thuyết trình, còn lại phải dồn sức vào phần thực hành lái, vì đây mới là thử thách thực sự.
Nếu như ở Việt Nam thường xuyên về nhất thì tôi vượt qua các bài thi ở khóa học hầu hết đều sát với điểm yêu cầu. Cụ thể là tôi được 42 điểm, và điểm yêu cầu là 40. Mỗi người thi sẽ có 50 điểm, và mỗi lỗi sẽ bị trừ những điểm khác nhau.
Sau khi vượt qua được những thử thách lúc đấy mới có cơ hội thở phào. Để dễ hiểu hơn, 4 người Đức tham gia khóa học này là số người được chọn lọc từ 600 người Đức thi đầu vào. Ngay thời điểm bước chân vào khóa học, nhiều bạn học còn nghĩ rằng tôi sẽ rớt ngay từ những vòng đầu tiên.
Là người Việt Nam duy nhất tham gia, anh có gặp vấn đề gì về chuyện hòa nhập?
Người Đức họ rất là tự cao. Họ rất coi thường tôi và anh bạn người Singapore lúc mới sang. Thậm chí họ còn hỏi Việt Nam có còn chiến tranh hay không, Việt Nam có an toàn để đến du lịch chứ. Lúc ấy tôi thực sự thấy ngột ngạt. Người thân nhất là anh bạn người Singapore, với các học viên còn lại, chúng tôi bị cô lập hoàn toàn.
Có một tình huống thế này. Khi họ đứng uống nước, nói chuyện với nhau, tôi có đi lại gần chào họ, nhưng họ không chào lại. Hỏi họ, họ cũng phớt lờ, nếu trả lời thì chỉ bâng quơ kiểu 'có' hoặc 'không'. Tôi thực sự rất buồn vào thời điểm ấy.
Rất may mắn là trong suốt quá trình học mình rất cố gắng. Họ thấy được sự phát triển của mình và cuối cùng thì tôi cũng kết bạn được với họ, trong khi anh bạn người Singapore vẫn bị cô lập. Sau đó, mọi người trong khóa học mới 'add' tôi vào group BMW Instructor mà không hề có người bạn Singapore. Vấn đề phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại, nhưng khi người ta thấy mình có tài năng, có cố gắng thì mình hoàn toàn có thể vượt qua, thậm chí là kết thân với họ.
Là một doanh nhân, anh có nghĩ đến lợi nhuận hay tiền bạc khi tham gia khóa học huấn luyện viên BMW chuyên nghiệp?
Ngày đó tôi học chẳng có ý nghĩ gì sâu xa. Tôi đi học, thứ nhất là thấy huấn luyện viên học sướng quá, họ có xe để nghịch, để "phá", mình đâu được làm vậy. Mua được một chiếc xe mình nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Thứ hai là chi phí đi học cũng không quá lớn với điều kiện tài chính tôi hiện có nên nghĩ đi học cho vui, nhưng thực tế lúc đi học không vui cho lắm. (Cười)
Nhưng sau khi học xong, thì tôi nghĩ nên sử dụng những kỹ năng học được càng lan rộng càng tốt, đến với nhiều người nhất có thể. Hàng ngày đọc báo thấy nhiều tai nạn quá, chủ yếu là do bất cẩn hoặc thiếu kỹ năng. Ranh giới giữa tai nạn và an toàn chỉ cách nhau vài tíc tắc.
Ở mỗi ngành nghề đều có những diễn đàn, group chia sẻ kinh nghiệm, nhưng hiện chưa có một huấn luyện viên lái xe chuyên nghiệp như anh ở Việt Nam, anh có thể cảm thấy cô độc?
Đến bây giờ, tôi vẫn tự hào là người duy nhất, và phải có một thời gian dài mới xuất hiện người thứ 2. Ở Singapore chỉ có 2 huấn luyện viên BMW chuyên nghiệp, người đầu tiên được cấp chứng chỉ vào năm 1996, và mới đây là 2018, có nghĩa là cách nhau hơn 20 năm. Tôi có thể tự tin nói rằng để có người thứ 2 sẽ rất lâu.
Về câu hỏi tôi có cô độc hay không thì tôi khẳng định tôi không cô độc. Tôi có mối liên kết với các huấn luyện viên lái xe chuyên nghiệp như mình trên thế giới. Chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm, kiến thức và rất nhiều thứ khác.
Anh đánh giá thế nào về khả năng lái xe nói chung của người Việt?
Nhiều người nước ngoài khi sang Việt Nam họ không dám lái xe ra đường. Thực ra không phải kỹ năng lái xe của người Việt mình tốt, cũng không phải họ không lái được mà vì đường sá quá hỗn loạn nên họ sợ gặp rắc rối ở Việt Nam, vì có thể va vào người này người kia.
Ở châu Âu, người dân lái xe rất văn minh, tôn trọng luật lệ, từ tốn và giữ khoảng cách rất đều. Còn khi ở trên cao tốc, họ chạy rất nhanh. Ví dụ như ở Đức, Autobahn có 3 làn xe chạy giống như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhưng làn ngoài cùng có thể chạy bao nhiêu tùy ý ở một số đoạn đường.
Nếu họ muốn đi nhanh hoặc vượt xe khác thì đi làn ngoài cùng, nếu không sẽ đi vào làn trong để xe sau có cơ hội vượt lên. Chính vì thế mà Autobahn có tỷ lệ tai nạn rất thấp. Sự an toàn đến từ kỹ năng lái và tính kỷ luật. Tôn trọng kỷ luật có nghĩa là tôn trọng người khác.
Đó là lý do vì sao phải tăng kỹ năng lái xe, nhưng trước hết phải tôn trọng pháp luật để bảo vệ mình và người ngồi sau, chứ không phải tìm cách để đi nhanh hơn. Nếu ai muốn nhanh hơn có thể vào các trường đua. Không nên ra đường chạy ẩu, chẳng được lợi lộc gì mà có thể gây hại cho người khác. Trên đường phố có nhiều người chạy ẩu, nhưng khi ra cao tốc sẽ thấy một nghịch lý là đa phần xe chạy ở mức 100 km/h, ít xe nào chạy đúng 120 km/h.
Nhưng nói tất cả người châu Âu chạy tốt cũng không hẳn. Ở Pháp, giao thông họ cũng rất nhốn nháo. Nếu sang đây sẽ thấy ô tô thường bị xước hoặc móp méo. Trong khi ở Đức thị ngược lại. Nên tôi đánh giá khả năng lái xe của người Đức cao nhất, nếu họ được 10 điểm thì ở Mỹ khoảng 8 điểm. Người Pháp khoảng 5-6 điểm thì người Việt Nam cũng ở tầm vậy.
Có kinh nghiệm nhiều năm trong việc lái xe, anh đánh giá thế nào về bài thi sát hạch lái xe ở Việt Nam?
Ở bất cứ lĩnh vực nào, đều có 2 điều kiện, cần và đủ. Để có được giấy phép là điều kiện cần để lái xe ra đường. Nhưng nó chưa đủ. Những khóa học bên ngoài sẽ giúp người lái nâng cao kỹ năng, ở nước ngoài cũng tương tự như vậy.
So với 10 năm trước, thì kỹ năng và ý thức lái xe của người Việt Nam đã cải thiện hơn rất nhiều rồi, và có cải thiện nhanh trong tương lai hay không phụ thuộc vào các cơ quan chức năng cũng như các hãng xe tổ chức khóa học đến đâu. Vì giờ không có kế hoạch cụ thể thì 10 năm hay 20 năm sau vẫn vậy. Có thể kế hoạch rõ ràng, thì tôi tin kỹ năng và ý thức lái xe của người Việt sẽ đi lên nhanh trong tương lai.
Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!