Nếu Ukraine phản công, 24 giờ đầu tiên sẽ là thời khắc mang tính quyết định

Kiều Anh |

24 giờ đầu tiên trong cuộc phản công được dự đoán từ trước của Ukraine sẽ là ngày dài nhất với quân đội nước này.

Hầu hết các suy đoán và tranh luận hiện nay đều tập trung vào việc khi nào và nơi nào Ukraine sẽ tiến hành phản công, quy mô lực lượng mà Kiev đã tập hợp và tác động của các vũ khí phương Tây mới cung cấp.

Nếu Ukraine phản công, 24 giờ đầu tiên sẽ là thời khắc mang tính quyết định - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine được huấn luyện tại một căn cứ ở Kharkiv ngày 20/4/2023. Ảnh: Reuters

Khó có ai ngoài các chỉ huy cấp cao của Ukraine biết được liệu hiện nay Kiev có lợi thế quyết định về hỏa lực, đạn dược, số lượng quân đội và hậu cần hay không. Điều chúng ta biết là trong những tháng gần đây, xung đột ngày càng được quyết định bởi mức độ tiêu hao, tức là dường như không bên nào có lợi thế quyết định và mỗi bên đều đang cố gắng làm hao hụt lực lượng của đối phương. Dù bất kỳ điều gì xảy ra vào ngày Ukraine phản công, các lực lượng của Kiev sẽ khó có thể tránh khỏi việc là một bên bị tiêu hao, thậm chí cả khi tập hợp được nguồn lực lớn, được chuẩn bị tốt và trang bị tốt.

24 giờ quyết định

Theo nhà quan sát Franz-Stefan Gady, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định trên Foreign Policy, các yếu tố vô hình như sự bất ngờ về chiến thuật, khả năng lãnh đạo trên chiến trường và tinh thần chiến đấu có thể sẽ mang tính quyết định trong 24h đầu tiên của cuộc tấn công. Để làm được điều đó, các đội hình bọc thép của Ukraine phải xuyên qua được hàng rào phòng thủ nhiều lớp của Nga, nhanh chóng tiến công vào hậu phương và đe dọa các trung tâm chỉ huy, kiểm soát như các trụ sở quân sự và trung tâm hậu cần của đối phương.

Việc đạt được bất ngờ chiến thuật trong những giờ đầu tiên của cuộc tấn công rất quan trọng bởi điều đó tăng ưu thế về hỏa lực và sự tương quan lực lượng, ít nhất là trong thời gian ngắn. Ông Franz-Stefan Gady cho rằng, điều này không yêu cầu Ukraine phải giữ bí mật về việc tập hợp lực lượng bởi trên thực tế, việc này khó có thể thực hiện giữa bối cảnh các hình ảnh vệ tinh hay những UAV trinh sát luôn sẵn có. Thay vào đó, để kéo căng quân đội Nga và ngăn cản họ tập trung lực lượng, Ukraine cần che giấu địa điểm và thời gian tấn công. Kiev cũng cần đảm bảo địa điểm được lựa chọn phải có thể nhanh chóng mở rộng để thâm nhập sâu vào phòng tuyến của đối phương, chẳng hạn như bằng cách kiểm soát các con đường, giao lộ và tuyến đường sắt quan trọng.

Dĩ nhiên, trước tiên, Ukraine cần vượt qua các phòng tuyến của Nga. Một phân tích tình báo của Kiev gần đây đã chia sẻ bản đồ miêu tả chi tiết các phòng tuyến của Nga ở phía Nam với một mạng lưới chằng chịt các bãi mìn, những hàng rào "răng rồng", hào chống tăng... Hơn nữa, Nga hiện còn triển khai số lượng lớn quân đội dọc các tiến tuyến.

Ukraine sẽ rất khó có đủ ưu thế về hỏa lực nhằm nhanh chóng phá hủy các phòng tuyến nhiều lớp này và cũng rất khó để tập hợp đủ lực lượng nhằm kiểm soát các vị trí của Nga. Một cuộc tấn công thành công thường yêu cầu bên tấn công phải có lực lượng lớn hơn đáng kể so với bên phòng thủ. Đó là chưa kể đến việc Ukraine thiếu các phương tiện cần thiết để vượt qua các lớp phòng thủ của Nga, từ dọn dẹp các bãi mìn để xe tăng và xe bọc thép di chuyển cho tới giải quyết các hàng rào răng rồng và chiến hào, đòi hỏi những kỹ năng và phương tiện chuyên môn.

Trong giai đoạn đầu, khả năng lãnh đạo cũng đặc biệt quan trọng, đặc biệt là việc ra quyết định và thực hiện nó ở cấp chỉ huy thấp nhằm khai thác những cơ hội khác nhau trên chiến trường. Ngoài ra, trong quá trình chiến đấu, các đơn vị có thể đi sai hướng, gặp khó khăn về sự phối hợp và xác định vị trí đối phương do các hệ thống gây nhiễu thông tin liên lạc. Do đó, sự lãnh đạo chiến thuật đóng vai trò thiết yếu để vượt qua, hay ít nhất là giảm nhẹ những hiểu lầm luôn tồn tại trong mỗi cuộc xung đột.

Sự lãnh đạo cũng có vai trò quyết định bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần chiến đấu của quân đội. Những binh lính không tin tưởng vào các chỉ huy của mình sẽ nhanh chóng xuống tinh thần. Những chỉ huy chiến thuật cấp thấp sẽ phải phát hiện các điểm yếu của đối phương và nhanh chóng khai thác điều đó bằng cách huy động được nhiều đội hình bọc thép nhất có thể. Đây là một chiến thuật có rủi ro vô cùng lớn khi đội hình tấn công phải hoạt động ngoài sự bảo vệ của các hệ thống phòng không.

Ngoài yếu tố bất ngờ, khả năng lãnh đạo và tinh thần chiến đấu, một nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến cuộc phản công của Ukraine là mức độ Nga có thể huy động lực lượng dự bị. Ngay cả khi phối hợp được các yếu tố trên, cuộc phản công của Ukraine vẫn là một ván cược đầy rủi ro, nhất là khi quân đội Nga đã có thời gian chuẩn bị trước và dành nhiều tháng để tăng cường các tuyến phòng thủ kiên cố.

24 giờ đầu tiên trong cuộc phản công sắp tới sẽ là ngày dài nhất của Ukraine. Ngay cả khi phản công thành công, liệu điều đó có đủ để Ukraine đạt được những thành quả chiến lược về dài hạn, chứ chưa nói tới giành chiến thắng, lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Đảm bảo sự hỗ trợ của phương Tây

Ukraine đã không giành được thêm bất kỳ vùng lãnh thổ nào ở khu vực phía Nam Kherson và phía Đông Kharkiv trong nhiều tháng qua sau khi Nga rút khỏi những khu vực quan trọng ở đây. Thời tiết mùa xuân biến mặt đất thành bùn lầy khiến quân đội và các vũ khí hạng nặng chưa thể di chuyển. Tuy nhiên, Ukraine đang ráo riết tập hợp lực lượng mới được huấn luyện từ phương Tây và cuộc phản công được dự đoán từ lâu dường như đã ở rất gần.

"Chúng tôi tự tin rằng cuộc phản công sẽ diễn ra vào thời điểm gần nhất. Mỹ hoàn toàn ủng hộ chúng tôi", Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho hay vào tuần trước.

Câu hỏi đặt ra là cuộc phản công sẽ diễn ra ở đâu và như thế nào. Thiếu tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Gordon Skip Davis nhận định: "Bất kỳ khi nào họ lựa chọn phản công, họ phải có lực lượng được trang bị và huấn luyện đầy đủ".

Theo ông Nick Gunnell, một cựu sĩ quan trong Hội Kỹ thuật Hoàng gia Anh, hạn chế lớn nhất của Ukraine là thiếu sự bảo vệ trên không để ngăn chặn cuộc tấn công của các chiến đấu cơ Nga mà như ông miêu tả thì chúng có khả năng "nghiền nát các phương tiện kỹ thuật của Ukraine" nếu các phương tiện này tìm cách phá vỡ các công sự của Nga. Cho tới nay, phương Tây vẫn từ chối cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16 tiên tiến.

Ukraine cần giành được chiến thắng để đảm bảo sự hỗ trợ quân sự và tài chính của phương Tây giữa bối cảnh mức độ ủng hộ của dư luận những nước này đang giảm dần. Trên tiền tuyến trải dài hàng trăm km từ phía Đông tới phía Nam Ukraine, Kiev đang phải cẩn thận lựa chọn địa điểm sẽ tiến hành cuộc phản công.

Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Ukraine cho rằng, các vị trí của Nga ở phía Nam đã được tăng cường và Ukraine cần chia rẽ chúng để tiếp cận Crimea cũng như biến bán đảo này thành một trung tâm hậu cần của mình. Trong những tháng gần đây, Kiev tăng cường tấn công UAV và pháo binh vào các khu vực phía Tây của Nga giáp với Ukraine. Ông Romanenko cho rằng, việc tấn công những khu vực này, đặc biệt là Bryansk có thể làm xao nhãng phần lớn quân đội Nga và gây hoảng loạn cho dân thường. Dù vậy, phương Tây đã phản đối bước đi táo bạo trên. Mỹ và đồng minh không muốn Kiev tiến vào lãnh thổ Nga để tránh leo thang căng thẳng. Trong khi đó, Ukraine quá phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí phương Tây nên không thể phớt lờ những lo ngại này.

Tuy nhiên, gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng, Ukraine có quyền tấn công và tiến hành các hoạt động quân sự vào lãnh thổ Nga nhưng việc này không được làm tổn thương dân thường./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại