Nếu Trung Quốc đánh Ấn Độ, Nga ngừng cấp vũ khí: New Delhi sẽ đại bại?

Trịnh Ngọc Tiến |

Mặc dù chính sách "Make in India" của New Delhi có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực nhưng với ngành công nghiệp quốc phòng, Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào Moskva.

Chiến lược "Make in India"

Là một quốc gia có tiềm lực cả về kinh tế và công nghệ, nhưng Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí nước ngoài. Nếu một cuộc chiến xảy ra, khi nguồn cung bị cắt thì quân đội sẽ chiến đấu ra sao?

Đây là vấn đề mà Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí nước ngoài.

Vào ngày 21 tháng 10 năm 2019 vừa qua, Hội đồng mua sắm quốc phòng của Chính phủ Ấn Độ đã phân bổ 465 triệu USD cho ba chương trình nhằm thay thế nhập khẩu thiết bị quân sự của Nga.

Người đứng đầu Hội đồng đã thông báo với giới truyền thông dự án đầu tiên bao gồm phát triển và sản xuất tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ thứ ba; thứ hai là động cơ phụ trợ cho xe tăng T-72 và T-90; thứ ba là hệ thống tác chiến điện tử cho vùng núi cao.

Dự án phát triển và sản xuất tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba sẽ tăng cường khả năng chống các phương tiện bọc thép của Quân đội Ấn Độ. Dự án sản xuất động cơ phụ trợ cho hai loại xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội nước này là T-72 và T-90 nhằm cung cấp điện cho hệ thống điều khiển hỏa lực và khả năng chiến đấu ban đêm của xe tăng.

Đây như một phần của chiến lược Make in India (Sản xuất ở Ấn Độ) do Thủ tướng Ấn Độ Modi khởi xướng.

Nếu Trung Quốc đánh Ấn Độ, Nga ngừng cấp vũ khí: New Delhi sẽ đại bại? - Ảnh 1.

Chính sách Make in India về công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ vẫn giậm chân tại chỗ

Cần lưu ý rằng, chính quyền của Thủ tướng Modi đã nhiều lần bị chỉ trích vì những nỗ lực thay thế thiết bị quân sự của Nga bằng các sản phẩm Make in India diễn ra rất chậm chạp. Hiện nay Ấn Độ vẫn là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga trong nhiều năm qua.

Mặc dù Ấn Độ đã có nhiều cố gắng để giảm mức nhập khẩu vũ khí từ Nga, như việc liên doanh chế tạo động cơ V-46-6, V92S2 cho 2 loại xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Ấn Độ là T-72 Ajeya và T-90 Bhishma tại Nhà máy Động cơ Avadi (EFA) của Ấn Độ.

Hay những chương trình lớn hơn nhằm xuất khẩu các sản phẩm liên doanh quốc phòng Nga-Ấn sang quốc gia thứ ba như tên lửa BrahMos (tên lửa BrahMos có phần cứng là tên lửa chống hạm P-800 Onyx do Nga sản xuất, sử dụng phần mềm điều khiển và bệ phóng do Ấn Độ phát triển).

Tuy vậy, những cố gắng trên chưa thu hẹp được việc Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí Nga.

Hiện nay, Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị quân sự mang nhãn hiệu "Make in India" cho các nước láng giềng trong khu vực, tuy nhiên mọi thứ đang diễn ra không theo ý muốn.

Nếu Trung Quốc đánh Ấn Độ, Nga ngừng cấp vũ khí: New Delhi sẽ đại bại? - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI do Nga phát triển và chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ

Cố gắng thoát khỏi "cái bóng" của Nga

Mặc dù chính sách "Make in India" của New Delhi có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, nhưng với ngành công nghiệp quốc phòng, Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào Moskva.

Để thoát sự chi phối của Nga, cũng như của các quốc gia khác như Mỹ, Pháp, Israel trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là vấn đề Ấn Độ không thể trong tương lai gần, bởi gần như tất cả các công nghệ nguồn vũ khí của Ấn Độ hiện nay phần lớn do các quốc gia này nắm giữ.

Từ đầu thế kỷ 21, Nga đã bán cho Ấn Độ số vũ khí với trị giá hơn 14 tỷ USD, trong khi Mỹ bán số vũ khí cho Ấn Độ chỉ với trị giá 2 tỷ USD (số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm năm 2018).

Nhưng nếu với số lượng vũ khí trị giá 14 tỷ USD mà Ấn Độ mua của Nga được quy đổi sang số vũ khí mua của Mỹ thì Ấn Độ phải mất 70 tỷ USD. Đây cũng là lý do Ấn Độ phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí Nga, khi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nếu Trung Quốc đánh Ấn Độ, Nga ngừng cấp vũ khí: New Delhi sẽ đại bại? - Ảnh 3.

Máy bay vận tải quân sự C-17 của Không quân Ấn Độ do Mỹ chế tạo.

Mặc dù phụ thuộc vào vũ khí Nga, nhưng mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đang có xu hướng mờ nhạt. Bên cạnh sự ngăn cản mạnh mẽ của Mỹ thì việc Kremlin mở rộng quan hệ với Pakistan đã phủ đám mây mờ lên mối quan hệ Nga-Ấn.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, việc tái lập quan hệ với Islamabad là phù hợp với chính sách ngoại giao đa phương của Moscow. Nhưng Ấn Độ cho rằng: "bạn của kẻ thù là kẻ thù của tôi".

Cùng với đó là các mối quan hệ khăng khít giữa Nga và Trung Quốc cũng làm tăng sự nghi ngờ của Ấn Độ. Nếu giả sử cuộc chiến Trung - Ấn xảy ra (thực tế trong lịch sử đã từng xảy ra), Trung Quốc có thể yêu cầu Nga ngừng cung cấp đạn dược, phụ tùng và vũ khí cho Ấn Độ, thì điều gì sẽ xảy ra với số phận của quân đội Ấn Độ?

Nếu Trung Quốc đánh Ấn Độ, Nga ngừng cấp vũ khí: New Delhi sẽ đại bại? - Ảnh 4.

Hợp tác quân sự Nga-Ấn có truyền thống từ lâu đời, nhưng Ấn Độ đang muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí Nga.

Gần đây nhất là vào tháng 7 năm 2017, lực lượng quân sự của cả hai quốc gia tập trung tại vùng Doklam ở Ấn Độ và Donglang ở Trung Quốc, sẵn sàng bắt đầu chiến tranh bất cứ lúc nào.

Bắc Kinh nói rằng "Ấn Độ nên nhớ thất bại của mình trong cuộc chiến năm 1962, và hiện nay Trung Quốc còn mạnh hơn nhiều lần so với lúc đó". New Delhi cũng không im lặng, đáp trả: "Ấn Độ ngày nay không phải là Ấn Độ năm 1962 và Ấn Độ hiện nay hoàn toàn đủ lực bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ".

Với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và việc Nga ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh, nghĩa là Moscow có thể không giữ lập trường hay phương tiện để giúp Ấn Độ trong tương lai. Đây chính là điều Ấn Độ lo ngại.

Trong nỗ lực cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí nước ngoài, Ấn Độ cũng không trông chờ vào các đối tác phương Tây, nhất là Mỹ. Việc mua bán vũ khí của phương Tây thường kèm theo "tiêu chuẩn kép", đồng thời vừa bán vũ khí cho Ấn Độ, vừa bán vũ khí cho "đại kình địch" Pakistan.

Như vậy với các yếu tố trên, rõ ràng Ấn Độ phải đẩy nhanh việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của mình để hoàn toàn thoát khỏi nguồn cung vũ khí từ nước ngoài, chủ yếu là của Nga./.

Su-30 MKI của không quân Ấn Độ tác chiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại