Điều này diễn ra khi TPP - chiếm 40% thương mại toàn cầu - đang bị đe dọa và chính quyền Tổng thống Barack Obama đã "buông" TPP cho người kế nhiệm Donald Trump quyết định.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump từng gọi TPP là “thảm họa” trong suốt quá trình tranh cử và nhiều người nhìn thấy thỏa thuận này dường như đang “chết yểu”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 15-11 nhấn mạnh: “Không có gì nghi ngờ rằng Nhật Bản sẽ xoay trục sang RCEP nếu TPP không được thực hiện”.
Hiện 7 quốc gia tham gia TPP cũng đã gia nhập RCEP, một thỏa thuận tự do thương mại với sự góp mặt của 10 thành viên ASEAN cùng với Úc, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cho rằng nước này sẽ tập trung nỗ lực vào RCEP, chiếm 27% thương mại toàn cầu, trước nguy cơ TPP sụp đổ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho hay nếu TPP thất bại thì RCEP có thể thay thế chỗ trống đó. Báo China Daily hôm 15-11 cho rằng TPP là “không phù hợp” và Mỹ nên gia nhập “thỏa thuận cởi mở” như RCEP.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang dẫn đầu khu vực thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), gồm 21 nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và dự kiến sẽ được thảo luận vào cuối tuần này tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru.
Tuy nhiên, ông Abe bày tỏ hy vọng sự kiện New Zealand thông qua TPP hôm 15-11 sẽ tạo ra những động lực rất cần thiết cho thỏa thuận đang gặp khó khăn này.
Thủ tướng Abe cho biết sẽ truyền đạt những suy nghĩ của mình về TPP trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 17-11 (giờ Mỹ).
Ông Faraz Syed, nhà phân tích kinh tế hãng Moody, hy vọng các nền kinh tế châu Á tăng cường nỗ lực nhiều hơn vào RCEP và FTAAP nếu chính sách thương mại của Mỹ bị hạn chế.
Trong khi đó, ông Hidenobu Tokuda, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện nghiên cứu Mizuho, nói thêm nếu TPP thất bại, Nhật Bản có thể chuyển sang “kế hoạch B” bằng việc thiết lập một hiệp ước thương mại tự do song phương với Mỹ.