Cách đây 10 năm, Bộ Quốc Phòng đã quyết định xóa tên Thể Công khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng lừng lẫy này. Lý do là bởi những thành tích bết bát của đội bóng ở mùa giải 2009 như “giọt nước tràn ly”.
Thành tích yếu kém và những vấn đề bộc lộ của Thể Công thời điểm đó, đội bóng nhận được rất nhiều sự chỉ trích lẫn bức xúc. Cũng vì điều này mà Bộ Quốc phòng muốn lấy lại cái tên để giữ cho thương hiệu Thể Công không bị bôi xấu trong tâm trí người hâm mộ.
Sau gần một thập kỷ biến mất, cái tên Thể Công sẽ trở lại ở V.League 2019, trong hình hài của CLB Viettel.
Năm 2015, khi CLB Viettel được thăng hạng lên chơi ở giải hạng Nhất, dù được coi là những hậu duệ của Thể Công ngày nào nhưng các cầu thủ đều là sản phẩm đào tạo của Trung tâm thể thao Viettel.
Đội bóng cũng thi đấu dưới cái tên Viettel, thế nhưng các khán giả vẫn đến sân cổ vũ cho đội bóng với cái tên Thể Công. Từ băngrôn, logo, cờ và đội kèn cũng mang màu sắc, hào khí truyền thống của Thể Công ngày nào. Nói thế để thấy rằng, sự kỳ vọng mà khán giả dành cho những hậu duệ của Thể Công vẫn rất lớn. Tất cả luôn mong mỏi một ngày nào đó, đội bóng trở lại sân chơi V.League với thương hiệu của tình yêu, niềm tự hào.
Nếu V.League 2019, cái tên Thể Công trở lại thì đây sẽ là nguồn cảm hứng lớn cho khán giả Việt Nam, vốn dành rất nhiều tình cảm cho đội bóng ngành quân đội. Và trong bối cảnh mà bản thân CLB Viettel cũng cần cú hích khi lên chơi V.League, những người quản lý thừa hiểu rằng sức hút của thương hiệu này. Thế nhưng để khoác lên mình chiếc áo có bề dày truyền thống, bản thân đội bóng cũng phải xứng đáng. Đưa tên Thể Công trở lại thì dễ nhưng giữ được thương hiệu mới khó.