1. Buổi sáng trước trận Việt Nam gặp Iran, nhà báo Trương Anh Ngọc có ngồi "chém gió" với cựu tuyển thủ Như Thành trên live stream từ căn bếp nhà anh. Trong hơn một tiếng trao đổi, nhà báo, BLV nổi tiếng này có kể lại câu chuyện hơn 15 năm về trước, về Văn Quyến.
Nhà báo Trương Anh Ngọc kể rằng sau bàn thắng của Văn Quyến vào lưới Hàn Quốc, giúp Việt Nam giành được chiến thắng lịch sử 1-0 ở vòng loại Asian Cup 2004 vào ngày 19/10/2003, anh có hỏi Văn Quyến dành tặng bàn thắng ấy cho ai, và tiền đạo người Nghệ An này trả lời mình dành bàn thắng ấy để tặng mẹ Niềm.
Sau đấy, nhà báo Trương Anh Ngọc có bảo Văn Quyến rằng nếu tặng cho mẹ Niềm thì... thường quá. Hay là em tặng cho Tổ quốc đi. Quyết đồng ý. Và sáng hôm sau báo ra, với tựa đề trang trọng trên trang nhất, rằng Văn Quyến tặng bàn thắng lịch sử ấy cho Tổ quốc.
Gần một năm trước, trước trận tứ kết U23 châu Á 2018, người viết có dịp ngồi hầu chuyện cùng hai người mẹ của Quang Hải tại nhà cậu. Trong suốt câu chuyện của mình, là những đau đáu của cả hai người mẹ về cậu con vốn tình cảm, đi muôn phương vẫn chỉ thèm vòng tay mẹ.
Họ sợ nhất là Hải chấn thương, và mẹ ruột của cậu - bà Nguyễn Thị Cúc, không giấu nỗi sự tự hào về cậu con trai xa nhà từ năm lên 9 tuổi để đắm mình vào niềm đam mê bóng đá, nhưng vẫn đau đáu trước sự nổi tiếng của cậu con trai: "Ngôi sao, chẳng ngôi sao gì đâu anh ạ. Tôi vẫn dặn cháu khi ra sân, ngôi sao duy nhất là ngôi sao trên ngực áo".
Ngày 29 Tết, trở lại thôn Đường Nhạn để gặp Quang Hải. Người viết phải ngồi chờ đến hơn nữa tiếng, tán chuyện với ông Nguyễn Quang Thuần - bố Quang Hải, để chờ cậu... đưa mẹ đi chợ về. Xách đồ cho mẹ vào tận bếp, ngôi sao sáng nhất của U23 Việt Nam mới yên tâm trở ra tiếp khách.
Tết năm trước đó, Quang Hải không được đón Tết cùng mẹ, cùng cả nhà. Từ Thường Châu trở về, trong một cuộc giao lưu trực tuyến, Quang Hải đã tâm sự: "Chỉ một phút ngắn ngủi được ôm mẹ, tôi cũng cảm thấy ấm lòng".
Sau trận tranh hạng 3 Asiad 2018, Quang Hải nhận phải rất nhiều lời chửi bới, lăng mạ trên mạng xã hội bởi sút trượt quả luân lưu quyết định. Mẹ Quang Hải cho hay: "Hải bảo là bố mẹ yên tâm, gia đình yên tâm, con sẽ biết cách ứng xử, phải làm gì và suy nghĩ như thế nào".
Chắc hẳn người phụ nữ ấy cũng phần nào yên tâm với câu trả lời đầy bản lĩnh của cậu con trai, nhưng trong tận trái tim, chắc người mẹ ấy đau lắm, bởi biết rằng những câu chữ ấy, chẳng ít thì nhiều cũng làm tổn thương cậu con trai mới vừa bước qua tuổi 20 của mình.
2. Sau chức vô địch AFF Cup 2018, có một người mẹ từ tận nước Nga xa xôi gửi bức tâm thư đến Việt Nam, và đến cho đứa con trai năm 17 tuổi từng dứt áo gia đình để về Việt Nam theo đuổi niềm đam mê bóng đá, cùng tình yêu cháy bỏng với Tổ quốc của cha mình. Bức thư ấy viết rằng bà cảm ơn Việt Nam, vì đã cho con trai bà cơ hội để được chứng tỏ mình:
"Tôi cảm ơn tất cả các bạn. Tôi muốn ôm các bạn thật chặt. Tôi hạnh phúc và vui mừng cùng các bạn vì chiến thắng này. Tôi biết ơn Chúa vì trái tim tôi chứa đựng tình yêu với hai đất nước: Việt Nam và Nga. Cảm ơn Chúa vì đất nước Việt Nam đã sinh ra người chồng của tôi - cha của con trai yêu dấu Đặng Văn Lâm: Đặng Văn Sơn.
Tôi biết ơn Chúa vì tại đất nước Việt Nam yêu dấu, con trai yêu dấu của tôi đã lớn khôn, trưởng thành, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và thể hiện tài năng của mình. Cảm ơn tất cả những người đã tin tưởng Lev - Đặng Văn Lâm".
Người mẹ ấy tên là Jukova Olga, và đứa con trai của bà đã cùng đội tuyển Việt Nam nâng cao chức vô địch AFF Cup 2018 sau một giải đấu cực kỳ thành công trong vai trò thủ thành.
Từ bục vinh quang ấy, nhận đủ mọi lời khen tặng từ người hâm mộ, Đặng Văn Lâm phải chịu áp lực cực lớn từ các chuyên gia và người hâm mộ nước nhà ngay sau trận đầu tiên của Asian Cup 2019. Những lời chỉ trích, mai mỉa, đau đớn thay lại đến từ một bàn thua "không thể cản phá", bởi nó lấy đi cơ hội sáng nước đi tiếp vào vòng trong của thầy trò HLV Park Hang-seo.
Người mẹ Nga - bà Jukova Olga chắc hẳn sẽ đau đớn lắm nếu đọc được những lời chỉ trích nhằm vào cậu con trai vừa mới là người hùng của mình. Cầu Chúa cho bà không đọc được những lời cay nghiệt ấy.
Trận đấu ấy, đâu chỉ có mỗi mình Đặng Văn Lâm là nạn nhân. Trên báo Việt Nam, nhà báo, BLV nổi tiếng ở đầu bài đã có một bài chỉ trích khá nặng lời nhằm vào HLV Park Hang-seo. Nó nặng nề đến mức độ tờ Chosun của Hàn Quốc phải "đáp trả" bằng một bài viết với câu hỏi lớn: "Có đúng là trách nhiệm trong thất bại này thuộc về HLV Park?".
Đằng sau những kỳ tích của HLV Park Hang-seo, có bóng dáng của một người phụ nữ. Bà là người nhất định không cho ông từ bỏ giấc mơ với bóng đá. Bà là người "gõ cửa" người đại diện hiện tại của ông, để mở ra cơ hội cho chồng "chạm ngõ" Việt Nam, khi những cánh cửa ở Hàn Quốc và Trung Quốc đã đóng sập lại.
Bà là Choi Song-a, người phụ nữ chấp nhận sống những tháng ngày cô đơn trên đất khách quê người, bầu bạn với chú chó nhỏ để ông bôn ba dẫn dắt bóng đá Việt Nam theo con đường vinh quang suốt hơn một năm qua.
Nếu đọc được những lời chỉ trích nhắm về chồng mình sau những chiến tích lẫy lừng đem về cho bóng đá Việt Nam, hẳn người phụ nữ ấy phải buồn lắm, bởi ông chẳng còn trẻ nữa, và ông đang làm hết sức mình, để kiến tạo nên những điều tốt đẹp cho lứa cầu thủ trẻ tài năng của Việt Nam. Và trên hết, trận đấu mà ông bị chỉ trích ấy, các cầu thủ Việt Nam đã chơi một trận để đời, và chỉ chịu gục ngã ở những phút cuối cùng.
3. Sau hai trận thua trước Iraq và Iran, thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ còn duy nhất một trận đấu trong tay ở vòng bảng để lấy chiếc vé vào vòng trong. Họ cần phải thắng đậm Yemen để mở ra cơ hội ấy. Nếu làm được, đấy là một điều tuyệt vời, bởi đây là đấu trường châu lục, với toàn những anh hào sừng sỏ. Nhưng chẳng may điều ấy không thành sự thực, chuyện gì sẽ xảy ra?
Chắc hẳn lại thêm lần nữa, cộng đồng mạng Việt Nam sẽ lại tìm ra cho mình một nạn nhân, để rồi lại chỉ trích, mỉa mai cho thỏa cơn "bực mình". Sẽ lại thêm một bà mẹ nữa, một người vợ nữa đau lòng khi con trai, chồng mình được ghi vào "bia miệng".
Sau những lời chỉ trích hướng về mình sau trận đấu với Iraq, tiền đạo Đức Chinh đã bày tỏ thái độ của mình về điều ấy: "Với những lời bình luận không tốt thì em không quan tâm mấy. Điều quan trọng là trên sân mình đã thi đấu hết mình".
Cũng như Quang Hải, Hà Đức Chinh và các đồng đội có lẽ đã chai lỳ với những lời chỉ trích hướng về mình sau mỗi trận đấu không được như ý của đội tuyển. Nhưng liệu những người phụ nữ đứng sau họ, với tình yêu vô hạn dành cho con, cho chồng mình, với trái tim đa cảm đầy nữ tính có thể chai lỳ được như họ? Chắc là không.
Liệu có sự cảm thông nào với họ, khi những người nhân danh cổ động viên của bóng đá Việt Nam đặt tay lên bàn phím để gõ ra những lời đầy cay đắng, châm chọc chỉ để thỏa mãn sự hậm hực của mình?
Hỏi, tức là đã tự trả lời!