Bồ công anh (rau bồ công anh) hay còn gọi là cây diếp hoang, rau bồ cóc, cây mũi mác hay rau lưỡi cày... Vì là loại cây ưa ẩm và ưa sáng nên bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các nơi có đất ẩm. Trong Đông y, bồ công anh là một loại dược liệu có vị đắng, tính mát và được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến các kinh can, thận và tâm. Thông thường loại dược liệu này dùng ở dạng tươi hoặc phơi/sấy khô tùy mục đích sử dụng (để tiêu độc, thanh nhiệt, điều trị mụn nhọt, mẩn ngứa, lở loét, chữa bệnh dạ dày, chữa viêm tuyến vú, viêm đường tiết niệu...). Ngày nay, nhờ được biết đến với nhiều công dụng cho sức khỏe mà bồ công anh được nhiều người dùng như một loại rau để chế biến các món ăn.
Khi nghe đặc tính của rau bồ công anh có vị đắng, hẳn phản ứng đầu tiên của nhiều người là: "Nó có đắng quá không?"; "Sẽ có mùi vị tệ phải không?"... Trên thực tế, rau bồ công anh không những không đắng mà còn có giá trị dinh dưỡng phong phú, thậm chí còn có nhiều ưu điểm hơn cả rau mồng tơi và nhiều loại rau khác. Nó chứa một lượng lớn vitamin, khoáng chất nên đặc biệt hiệu quả trong việc thanh nhiệt, giải độc và thúc đẩy tiêu hóa. Rau bồ công anh có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi như mảnh đất trống hoặc đồng ruộng. Nếu chưa từng và không biết cách thưởng thức món ăn ngon từ loại rau tốt cho sức khỏe này sẽ thiệt thòi lớn!
Trước hết, bồ công anh rất giàu vitamin C, là thành phần quan trọng giúp tăng cường khả năng miễn dịch và tăng cường sức khỏe làn da. Ngoài ra, nó còn giàu canxi, sắt và các khoáng chất khác, có thể bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt vào mùa thu đông, tác dụng thanh nhiệt, giải độc của rau bồ công anh đặc biệt có lợi cho cơ thể.
Chất đắng trong rau bồ công anh giúp kích thích tiết dịch tiêu hóa ở đường tiêu hóa và giúp thúc đẩy nhu động ruột. Nó đặc biệt thích hợp với những người thường xuyên bị chứng khó tiêu hoặc khó chịu nhẹ ở đường tiêu hóa. Rau bồ công anh còn có tác dụng đặc biệt trong việc hạ lipid máu. Tiêu thụ thường xuyên có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Như vậy không đơn thuần là loại rau dại thông thường mà bồ công anh còn có giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh cực kỳ cao; là nguyên liệu tốt cho sức khỏe hiếm có trên bàn ăn của chúng ta. Ngoài việc chế biến thành món rau xào, nấu canh xương, bạn có thể khám phá hương vị độc đáo của rau bồ công anh thông qua các công thức dưới đây.
1. Rau bồ công anh trộn
Nguyên liệu làm món rau bồ công anh trộn
250g rau bồ công anh, 1 củ tỏi, 110g đường, 40ml nước mắm, 10g giấm, 20g nước cốt chanh, 1 quả ớt, chút xíu gia vị.
Cách làm món rau bồ công anh trộn
Bước 1: Rau bồ công anh nhặt sạch các lá héo, úa, cắt bỏ rễ sau đó đem rửa sạch. Tiếp theo bạn đặt một nồi nước lên bếp, đun sôi. Sau đó cho rau bồ công anh vào chần trong khoảng 2 phút rồi vớt ra và thả vào chậu nước lạnh.
Bước 2: Cho tỏi băm, ớt xắt miếng, đường, nước mắm, giấm, nước cốt chanh, chút gia vị vào tô. Dùng thìa trộn thật đều để các nguyên liệu tan và hòa quyện. Rau bồ công anh sau khi xả lạnh xong bạn vớt ra, nắm nhẹ để loại bỏ bớt nước thừa. Sau đó cho rau bồ công anh vào âu trộn, rưới phần sốt lên và trộn đều.
Thành phẩm món rau bồ công anh trộn
Rau bồ công anh tươi xanh, giòn được trộn với nước sốt có vị chua, cay, mặn, ngọt cân bằng nên ăn rất sảng khoái. Với sự kết hợp này, món ăn sẽ mang lại trải nghiệm hương vị khác biệt cho bữa cơm gia đình. Đừng bỏ lỡ, bạn chắc sẽ thích món ăn này!
2. Bún trứng nấu rau bồ công anh
Nguyên liệu làm món bún trứng nấu rau bồ công anh
100g bún khô sợi nhỏ, 1/2 củ cà rốt, 1 nắm rau bồ công anh, 1 quả trứng gà, một ít hành tây xắt nhỏ, lượng nước tương vừa phải, lượng gia vị thích hợp.
Cách làm món bún trứng nấu rau bồ công anh
Bước 1: Rau bồ công anh rửa sạch, để ráo. Cà rốt gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi xắt sợi. Đập trứng vào bát, đánh đều. Đặt chảo lên bếp cho chút dầu ăn vào, đun nóng. Tiếp đó cho trứng vào chảo, chiên chín.
Bước 2: Sau khi trứng chín bạn nhanh chóng xắt thành các miếng rồi cho cà rốt thái sợi vào, đảo đều xào trong khoảng 1 phút. Tiếp đó bạn thêm lượng nước đủ dùng vào cùng với chút gia vị và nước tương vừa khẩu vị.
Bước 3: Đun sôi nước, cho bún khô đã rửa sạch vào rồi đun sôi trở lại. Tiếp đó bạn thả rau bồ công anh vào. Tùy vào sở thích cá nhân mà bạn có thể cho lượng rau bồ công anh nhiều hơn để giúp cơ thể thanh nhiệt, diệt khuẩn, giảm nóng trong! Nấu khoảng 3 phút, mì chín thì tắt bếp, cho thêm chút hành tây thái nhỏ vào.
Thành phẩm món bún trứng nấu rau bồ công anh
Một bát bún với trứng và rau củ đã sẵn sàng, màu sắc đẹp mắt. Món ăn có vị thanh nhẹ, sợi bún mềm, trứng béo bùi ăn cùng rau bồ công anh, hành tây, cà rốt giòn ngon sẽ cho bạn bữa sáng thật hoàn hảo. Bạn có thể trộn thêm một ít dưa chuột và ăn cùng sẽ rất thú vị.