Các nhà nghiên cứu tỏ ra quan ngại về việc ngọn núi lửa Paektu (nằm giữa biên giới của Triều Tiên và Trung Quốc) thức tỉnh. Nó có thể trở thành một trong những vụ phun trào khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, với sức công phá ảnh hưởng tới toàn thế giới.
Núi lửa Paektu hay còn gọi là Trường Bạch, cao tới 2.744 mét, đã từng phun trào khủng khiếp cách đây gần 1000 năm và được coi là ngọn núi thiêng ở bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, nhưng ẩn chứa hiểm họa chết người.
Nếu phun trào, sức công phá của núi lửa Paektu có thể ảnh hưởng tới toàn cầu.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, những đợt phun trào có thể đẩy lưu huỳnh đi xa hơn vào trong bầu không khí so với trong quá khứ, và có thể tàn phá sự sống trên Trái Đất.
Núi lửa Paektu từng xảy ra một trong những vụ phun trào khủng khiếp nhất trong lịch sử vào năm 946, tác động cực lớn, làm xuất hiện lòng chảo đường kính 5km trên đỉnh núi và lượng khói bụi khổng lồ lan tới tận Nhật Bản.
Trong quá khứ, núi lửa Paektu từng xảy ra vụ phun trào dữ dội vào năm 946.
Theo Tiến sỹ James Hammond tại Đại học London (Anh), một trong số ít những người được tiếp cận địa điểm, cho biết: "Ngược lại với dự đoán trước đó, vụ phun trào năm 946 đã đẩy 45 triệu tấn lưu huỳnh lên bầu khí quyển. Đây được xem là một trong những vụ phun trào lớn nhất trong lịch sử".
Nhóm nghiên cứu tin rằng, vụ phun trào năm 946 đẩy nhiều lưu huỳnh vào bầu khí quyển hơn so với thảm họa núi lửa Tambora năm 1815, khiến nhiệt độ giảm mạnh trên toàn thế giới và năm đó ở Triều Tiên không có mùa hè.
Ông Hammond nhận định núi lửa Paektu có thể thức tỉnh và lịch sử sẽ lặp lại. Theo ông Stephen Grand, một nhà đia chấn học làm việc tại Đại học Texas (Mỹ) cho biết: "Tôi cho rằng nguy cơ xảy ra một vụ phun trào lớn ở đây là rất thực tế".
(Nguồn: Express)