Hiện nay, khi tìm kiếm ứng viên, nhà tuyển dụng không chỉ chú trọng vào bằng cấp, thành tích, những câu hỏi thông thường về kinh nghiệm làm việc. Ở nhiều công ty, quy cách phỏng vấn đã thay đổi muôn kiểu, làm khó người xin việc bằng những câu hỏi, yêu cầu "khó nhằn".
Nhờ cách này, họ không chỉ đánh giá được năng lực làm việc mà còn nhận ra những người có tầm nhìn, tiềm năng phát triển đặc biệt. Dưới đây là một câu chuyện tuyển dụng sẽ khiến nhiều người suy ngẫm:
Làm thêm giờ là một điều dễ bắt gặp nhất ở nơi làm việc. Trong quá trình phát triển của một công ty, không phải nhân viên nào cũng hoàn thành hết công việc trong ngày. Vậy nên, việc làm thêm giờ là chuyện thường xảy ra.
Thông thường, các công ty sẽ có chính sách hỗ trợ thêm tiền làm thêm giờ cho nhân viên. nhưng cũng có không ít công ty thiếu sự hỗ trợ về chế độ cho nhân viên sẽ coi việc làm thêm giờ nằm trong tiền lương hàng tháng của nhân viên.
Nếu như khi tuyển dụng nhân viên mới, sếp trực tiếp nói thẳng với ứng viên việc tăng ca sẽ không có lương. Vậy ứng viên sẽ xử lý tình huống này ra sao? Cùng xem cách xử lý của một ứng viên cụ thể.
Lý Tiểu Bình, 24 tuổi, thuộc thế hệ 9x chia sẻ trải nghiệm của chính mình:
Khi tham gia phỏng vấn xin việc tại một công ty, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin cá nhân của các ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ bất ngờ hỏi: “Nếu phải thường xuyên tăng ca không có lương, các bạn có đồng ý làm việc không?”
Ứng viên thứ nhất tỏ vẻ không vui trả lời nhanh: "Tôi đi làm là để kiếm sống. Nếu như phải làm tăng ca thường xuyên mà lại chẳng có tiền lương thêm, tôi đương nhiên không làm". Sếp tuyển dụng im lặng không nói gì.
Ứng viên thứ 2: "Phải làm thêm giờ mà không có thêm lương, tôi đương nhiên sẽ không vui rồi. Tôi sẽ chỉ làm việc đúng theo thời gian quy định. Tuyệt đối không làm thêm ngoài giờ vì như vậy tôi sẽ chẳng có thời gian cho cá nhân nữa". Sếp tuyển dụng có vẻ gật gù trước lí lẽ về nhu cầu cân bằng công việc và cuộc sống của ứng viên số 2. Tuy nhiên, ông vẫn chưa tìm được người thực sự ưng ý.
Đến lượt mình, sau khi suy nghĩ, Lý Tiểu Bình trả lời: “Chỉ cần công việc yêu cầu, tôi sẽ làm thêm giờ. Việc này sẽ không vì có tiền làm thêm giờ hay không mà thay đổi.
Tuy nhiên, sau khi tăng ca, việc được hưởng tiền làm thêm giờ là quyền lợi của tôi. Nếu quả thật công ty gặp khó khăn, không thể phát lương, tôi sẽ hiểu cho công ty, tạm thời có thể chưa cần phát tiền làm thêm giờ ngay.
Nhưng nếu công ty muốn mua rẻ sức lao động của nhân viên, điều này không thể chấp nhận được, tôi nhất định sẽ tìm cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.”
Nhà tuyển dụng gật đầu nhẹ, nói với Lý Tiểu Bình: “Bạn nói rất đúng. Chắc chắn sau này bạn sẽ là một nhân viên giỏi, một người quản lý tốt”, sau đó tuyên bố tuyển tuyển cô vào vị trí quản lý.
Phải nói rằng mặc dù Lý Tiểu Bình còn trẻ nhưng cách cô trả lời rất thông minh, vừa thể hiện được sự tôn trọng của bản thân với công việc, đồng thời giữ được nguyên tắc của chính mình. Với cách thể hiện như vậy, nhà tuyển dụng tự nhiên sẽ thấy năng lực và khí chất của cô, việc tuyển dụng cô ấy sẽ là điều đương nhiên.
Làm thêm giờ không phải là một việc hoàn toàn không thể chấp nhận. Tuy nhiên, người lao động nên nhớ rằng, đã tăng ca thì phải có lương, đây là điều đương nhiên, nhất định phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Trong lúc phỏng vấn, đừng bao giờ vì so đo chút thu nhập trước mắt mà để bản thân chịu thiệt, nếu không sẽ làm bản thân mất đi nhiều thứ hơn.