"15% có lẽ là con số mà chúng tôi thực sự có thể đưa ra", ông Lottner nói, đồng thời cho biết ngân hàng đang tìm kiếm đối tác có năng lực, đặc biệt là công nghệ.
Cùng với đó, một nhà đầu tư đang sở hữu 8 - 9% vốn của ngân hàng cũng đã sẵn sàng rời đi, bởi vậy, tỷ lệ 15% là hợp lý ở thời điểm này.
Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 22% cổ phần tại Techcombank, vẫn thấp hơn mức trần sở hữu nước ngoài 30% đối với các ngân hàng.
Do vậy, sẽ có cổ đông bán ra cổ phiếu trước khi Techcombank có thể chào bán 15% cổ phần.
Cũng theo ông Lottner, Techcombank đang tìm kiếm các công ty có thể giúp ngân hàng "tham gia vào các hành lang thương mại trong bối cảnh có rất nhiều tiền đổ vào từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc".
Với vị thế là một trong những ngân hàng số hàng đầu, Techcombank ghi nhận số lượng giao dịch khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đạt kỷ lục 850,5 triệu trong quý III/2024, tăng 8,9% so với quý trước và tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, khối lượng và giá trị giao dịch của khách hàng cá nhân qua kênh số đạt 2,3 tỷ giao dịch và 8,2 triệu tỷ đồng, lần lượt ghi nhận tăng trưởng 53,5% và 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Việc có thêm một đối tác chiến lược có tiềm lực mạnh mẽ về vốn và công nghệ sẽ thúc đẩy thêm khả năng tăng trưởng trong chuyển đổi số, tiếp đà chiếm lĩnh thị phần tại ngân hàng này.
Ngoài ra, Techcombank cũng đang tiếp cận một đối tác bảo hiểm mới sau khi ngừng hợp tác với Manulife Việt Nam. Ông Lottner cho biết sẽ có nhiều thông tin rõ ràng hơn về việc này trong 6 tháng tới.
Được biết, việc chấm dứt sớm 8 năm hợp đồng có kỳ hạn 15 năm với Manulife khiến Techcombank phải bồi thường cho đối tác 1.800 tỷ đồng.
Hiện Techcombank vẫn đang cân nhắc các kịch bản, bao gồm tập trung vào phân phối hay thiết lập một doanh nghiệp bảo hiểm và làm việc với các đối tác khác.
Đồng thời, Techcombank mới đây đã quyết định mở thêm đơn vị bảo hiểm riêng là Công ty CP Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TechcomIns), trở thành doanh nghiệp bảo hiểm thứ 31 tại Việt Nam. Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Techcombank góp 11%, tương đương 55 tỷ đồng.
"Chúng tôi rất muốn tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất sản phẩm bảo hiểm, chứ không chỉ là đại lý phân phối", ông Lottner chia sẻ.
Dù vẫn chưa trực tiếp lấn sân sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nhưng với việc tự mình thành lập một công ty bảo hiểm, Techcombank cho thấy ý đồ muốn từng bước hoàn thiện hệ sinh thái tài chính của mình.
Techcombank là ngân hàng tư nhân niêm yết lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại với hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư Warburg Pincus. Cổ phiếu TCB đã tăng hơn 40% trong năm nay, vượt xa mức tăng chỉ hơn 6% của VN Index.
Về hoạt động kinh doanh, Techcombank báo cáo lợi nhuận trước thuế 22.800 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/9, ngân hàng có 14,8 triệu khách hàng, tăng gần 500 nghìn khách hàng mới trong quý III. Tổng tài sản của Techcombank đạt hơn 927 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2024 đạt mức 27.100 tỷ đồng, cao hơn 18% so với năm ngoái. Ông Lottner cho biết nền kinh tế đang bùng nổ của Việt Nam sẽ mang lại cho ngân hàng "nhiều đường băng trong vài năm tới, có thể là cả thập kỷ".