Nếu nắm trong tay vũ khí đặc biệt này, Đài Loan sẽ làm xoay chuyển cán cân quân sự với TQ?

Trịnh Ngọc Tiến |

Trong tất cả các loại máy bay chiến đấu trên thế giới hiện nay, chỉ có duy nhất một loại đáp ứng được hết các yêu cầu của Đài Loan.

Mong nhận được cái gật đầu từ Mỹ

Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã nhận được sự ủng hộ của một số Nghị sĩ quốc hội Mỹ (vốn có truyền thống ủng hộ Đài Loan), khi kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump bán loại máy bay tàng hình thế hệ 5 F-35 cho hòn đảo này.

Trong một bức thư gửi tới Trump vào ngày 26/3 năm nay, Thượng nghị sĩ John Cornyn và Thượng nghị sĩ James Inhofe kêu gọi Tổng thống Trump bán máy bay chiến đấu F-35B của Đài Loan.

Nếu điều đó chưa thể thực hiện được, thì Cornyn và Inhofe nói rằng Washington nên nhanh chóng bán cho Đài Bắc những chiếc tiêm kích phản lực đa nhiệm hiện đại nhất F-16V.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo địa phương Liberty Times vào ngày 12/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan khi được hỏi "Liệu Đài Loan đã chính thức yêu cầu Mỹ bán F-35 cũng như các loại máy bay chiến đấu phản lực khác và xe tăng M1A1 Abram chưa?" đã trả lời rằng “Tôi có thể xác nhận rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra”.

Câu trả lời của ông đã được Thời báo Đài Bắc, một ấn phẩm của tờ Liberty Times bằng tiếng Anh đăng tin chính thức.

Tuy nhiên sau đó, ông Phùng Thế Khoan đã đính chính lại phát ngôn của mình: "Mặc dù chúng tôi đã đề cập với các quan chức Mỹ về vấn đề này nhưng phía Mỹ chưa đưa ra kết luận dứt khoát. Hiện nay, các quan chức Mỹ đang đánh giá nghiêm túc đề xuất và họ có thể có mối quan tâm riêng về chi phí hoặc những cân nhắc khác".

Từ câu trả lời của ông Phùng Thế Khoan thì dường như Đài Loan chưa chính thức yêu cầu mua F-35 nhưng đang có ý định làm như vậy nếu Mỹ vượt qua được sức ép của Trung Quốc, sẵn sàng bán máy bay thuộc loại tối tân nhất cho hòn đảo này.

Loại máy bay mà Đài Loan thèm muốn

Các nhà lãnh đạo quân đội Đài Loan từng rất quan tâm đến việc mua phiên bản F-35B. Đây là phiên bản dành cho thủy quân lục chiến Mỹ, có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Nếu nắm trong tay vũ khí đặc biệt này, Đài Loan sẽ làm xoay chuyển cán cân quân sự với TQ? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu F-35B, mục tiêu theo đuổi của không quân Đài Loan.

Ông Khoan nói với tờ Liberty Times rằng: “Từ yêu cầu hoạt động trong tương lai, thế hệ máy bay chiến đấu trong tương lai của Đài Loan phải có khả năng tàng hình, cất, hạ cánh đường băng ngắn và có khả năng chiến đấu bên ngoài tầm nhìn”.

Như vậy, trong tất cả các loại máy bay chiến đấu trên thế giới hiện nay, chỉ có F-35B đáp ứng được hết các yêu cầu này.

Cần phải biết rằng, máy bay chiến đấu phản lực có cánh cố định sẽ là vũ khí chiến lược của Đài Loan.

Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ, nếu chiến tranh giữa 2 bờ eo biển bùng nổ, trong giờ giao chiến đầu tiên, 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cũng như tên lửa hành trình tiến công mặt đất của Trung Quốc sẽ là đòn hỏa lực đầu tiên tiên nhằm vào các mục tiêu trên hòn đảo này.

Còn theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Công ty RAND (một trung tâm nghiên cứu chiến lược của cơ quan tình báo Mỹ CIA), nếu xung đột xảy ra, Bắc Kinh chỉ cần 155 tên lửa đạn đạo để có thể phá hủy và làm tê liệt tất cả các sân bay cũng như đường băng của Đài Loan có đủ tiêu chuẩn để cất cánh các máy bay chiến đấu bình thường.

Trong điều kiện các sân bay bị đánh phá như vậy, loại máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như F-35B có thể sơ tán nhanh chóng về các địa điểm bí mật; do vậy sẽ tránh được đòn hỏa lực đầu tiên bằng tên lửa của Trung Quốc, bảo toàn được lực lượng.

Sau đó, F-35B có thể tận dụng các đoạn đường băng dân sự ngắn hơn, thậm chí là các đoạn đường cao tốc được thiết kế đặc biệt giành cho trường hợp khi đường băng sân bay bị đánh phá để cất cánh thực hiện nhiệm vụ.

Sự quan tâm của Đài Loan đối với chiếc F-35B có từ ít nhất từ 16 năm trước.

Vào khoảng năm 2002, chính quyền Đài Loan đã gửi Lầu Năm Góc một văn bản (LOI) do ông Wang Chi-lin (lúc đó là Giám đốc Phòng đấu thầu Quốc phòng của Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc) ký tên, yêu cầu về biết về giá cả và tính năng (P&A) của phiên bản F-35B.

Mối hy vọng về sở hữu F-35 của Đài Loan càng tăng khi chương trình F-35 sau thời gian nghiên cứu, chế thử đã đi vào sản xuất loạt, và nhất là khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Có lẽ Đài Bắc tin rằng chính quyền Mỹ hiện tại dám vượt qua chính quyền (Mỹ) tiền nhiệm, có nhiều khả năng bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan.

Vào mùa xuân năm 2017, các tin tức về việc Đài Loan chính thức tuyên bố ý định đàm phán mua máy bay chiến đấu phản lực với các quan chức Mỹ đã xuất hiện. Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan cũng nhắc lại mối quan tâm của Đài Loan đối với phiên bản F-35B.

Hiện nay Đài Loan không hề đơn độc trong việc đàm phán mua vũ khí của Mỹ. Bất chấp sức ép từ Trung Quốc, nhiều Nghị sĩ quốc hội Mỹ cũng như Hiệp hội kinh doanh Mỹ-Đài luôn ủng hộ chính quyền Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Do đó, thông tin về việc Đài Loan có ý định mua F-35B không phải là không có cơ sở.

Có làm thay đổi cán cân lực lượng Trung-Đài?

Nếu nắm trong tay vũ khí đặc biệt này, Đài Loan sẽ làm xoay chuyển cán cân quân sự với TQ? - Ảnh 2.

Phi đội F-16A/B vẫn là thành phần quan trọng nhất của lực lượng Không quân Đài Loan hiện nay và cả trong tương lai gần.

Hiện tại, Không quân Đài Loan có khoảng 400 máy bay chiến đấu, bao gồm máy bay phản lực, máy bay huấn luyện và trực thăng vũ trang. Máy bay chiến đấu của Đài Loan bao gồm chủ yếu là máy bay F-CK-1, F-16 và Mirage 2000.

Máy bay chiến đấu có số lượng nhiều nhất của không quân Đài Loan là 131 máy bay chiến đấu nội địa F-CK-1 Ching-kuo. Đây là máy bay chiến đấu do Đài Loan tự nghiên cứu, phát triển trên mẫu máy bay F-20 Tigershark của Mỹ, có năng lực chiến đấu hạn chế.

Nếu nắm trong tay vũ khí đặc biệt này, Đài Loan sẽ làm xoay chuyển cán cân quân sự với TQ? - Ảnh 3.

Phi đội máy bay nội địa F-CK-1 Ching-kuo. Mặc dù chiếm số lượng nhiều nhất trong Không quân Đài Loan nhưng chúng có năng lực chiến đấu hạn chế.

Nòng cốt của không quân Đài Loan là phi đội F-16A/B, được mua vào năm 1990 và năm 2001. Nếu tình huống xung đột xảy ra, với số lượng máy bay J-7, J-10, J-11, J-15 áp đảo của không quân Trung Quốc, thì phi đội F-16 của Đài Loan cũng chưa phải là đối thủ.

Không quân Đài Loan hiện còn có trong biên chế 56 chiếc Mirage 2000-5 của Dassault nhưng do không được nâng cấp để có thể trang bị những loại tên lửa không đối không tầm xa như của F-16, mà chỉ được trang bị những loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nên chúng sẽ không phải là đối thủ của máy bay mang tên lửa PL-12 của không quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, phi đội Mirage 2000-5 sẽ giúp san sẻ nhiệm vụ với phi đội F-16 trong đối phó với các lực lượng không quân PLA.

Nếu nắm trong tay vũ khí đặc biệt này, Đài Loan sẽ làm xoay chuyển cán cân quân sự với TQ? - Ảnh 4.

Máy bay Mirage 2000-5 của không quân Đài Loan.

Trong khi đó, Không quân Trung Quốc có 2.100 máy bay chiến đấu và đang được hiện đại hóa nhanh chóng. Gần đây, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên của họ là chiếc J-20 vào biên chế.

Mặc dù còn có những câu hỏi về mức độ tàng hình của J-20 và động cơ của máy bay nhưng trên thực tế, J-20 vẫn thể hiện sự gia tăng sức mạnh của Không quân Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã nhận lô máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga, đó là loại Su-35.

Douglas Barrie, một chuyên viên cao cấp chuyên nghiên cứu về không quân tại Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London - Anh cho biết:

"Về lực lượng không quân, Đài Loan đang phải đối mặt với tình trạng vượt trội không chỉ về số lượng mà còn về mặt công nghệ với không quân Trung Quốc.

Đến năm 2020, không quân Trung Quốc sẽ được trang bị phổ biến máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và gần thứ 5, cũng như các loại tên lửa không đối không hiện đại. Do vậy, nếu Đài Loan có mua được máy bay F-35 đi chăng nữa thì điều này cũng không làm ảnh hưởng đến cán cân quân sự Trung - Đài".

F-35B hạ cánh thẳng đứng trên tàu USS WASP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại