Hôm qua ngày 20/6 đã diễn ra một sự kiện cực kỳ đáng chú ý tại khu vực Trung Đông đang trong thời kỳ nóng bỏng, đó là Iran tuyên bố bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái tầm cao của Mỹ, họ cho rằng đó là chiếc MQ-4C Triton.
Đến cuối ngày, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) chính thức lên tiếng xác nhận rằng hải quân nước này bị mất một chiếc RQ-4A Global Hawk chứ không phải biến thể MQ-4C tối tân hơn như Iran đã công bố.
Sự kiện trên có thể coi như giọt nước tràn ly sẽ khiến Mỹ phải đưa ra đòn trả đũa, nhất là khi Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo rằng Iran không nên thử thách sức mạnh quân sự của Mỹ, đồng thời vụ khủng hoảng liên quan đến các tàu chở dầu bị tấn công vẫn chưa được giải quyết một cách êm thấm.
Dòng tweet "Iran đã mắc sai lầm rất lớn!" được ông Trump đăng tải trên trang Twitter cá nhân càng làm tăng thêm nhận định rằng hành động quân sự của Mỹ đã sắp diễn ra.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-2 Favorit của Iran trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật
Theo đánh giá, nếu Mỹ có ý định tấn công trả đũa Iran thì hành động quân sự sẽ chỉ dừng ở mức cục bộ chứ không triển khai trên quy mô rộng, tức là Không lực Hoa Kỳ sẽ đánh phá tiêu diệt các tổ hợp tên lửa phòng không được Iran triển khai sát eo biển Hormuz bị cáo buộc đã phóng đạn bắn rơi chiếc RQ-4A.
Hiện nay Iran đang điều động những hệ thống vũ khí tối tân nhất của mình ra tiền tuyến, bao gồm tổ hợp S-300PMU-2 Favorit nhập khẩu từ Nga và Khordad 15 nước này tự chế tạo và mới được công khai giới thiệu cách đây chưa lâu.
Hãng thông tấn Fars của Iran cho biết "tác giả" bắn hạ chiếc Global Hawk là Khordad 15, tuy nhiên nhiều khả năng đây chỉ là hành động gây thanh thế cho vũ khí nội địa còn chiến công thực sự là của S-300PMU-2, nếu vậy thì Favorit sẽ trở thành đối tượng có nguy cơ bị tiêu diệt cao nhất.
Tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Không lực Hoa Kỳ trong chế độ "Quái thú"
Để vượt qua lưới lửa phòng không cực kỳ đáng gờm của Iran thì gần như chắc chắn Mỹ sẽ phải sử dụng đến phương tiện tấn công tối tân nhất của mình, đó chính là tiêm kích tàng hình đa năng F-35 Lightning II (F-22 Raptor ưu tiên cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, ít khi được sử dụng để oanh kích mục tiêu mặt đất).
Nếu nhận định trên trở thành sự thật thì cuộc đụng độ đầu tiên giữa F-35 và S-300 sẽ diễn ra tại Iran chứ không phải trên lãnh thổ Syria như các dự đoán trước đó.
Tuy nhiên viễn cảnh này thậm chí còn gay cấn và hấp dẫn hơn nhiều màn đối đầu giữa Không quân Israel và Phòng không Syria.
Vấn đề được thắc mắc và quan tâm nhiều nhất trong suốt thời gian qua đó là tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ và hệ thống tên lửa phòng không tầm xa do Nga chế tạo ai mạnh hơn nhiều khả năng sẽ có câu trả lời chỉ trong vài ngày tới.
Lực lượng phòng không Iran bắn thử nghiệm tổ hợp tên lửa tầm xa S-300PMU-2 Favorit