Không thể phủ nhận được những lợi ích mà việc niềng răng đem lại cho chúng ta - từ tính thẩm mĩ đến việc giảm thiểu bệnh lý về răng miệng.
Vì thế, không ít bạn đã tìm đến nha sĩ để sắp xếp những chiếc răng lệch hàng về đúng vị trí của nó.
Nhưng để có được bộ răng đều, đẹp cùng chiếc hàm cân xứng, ăn nhai tốt thì người niềng răng phải trải qua 1 quá trình "đau chảy nước mắt" để "nắn hàm, bẻ răng".
Quy trình đó đớn đau như thế nào, hãy cùng nghe chia sẻ của bác sĩ Lê Thị Hải Châu - tốt nghiệp chuyên khoa Răng Hàm Mặt tại Học viện Y khoa của Nga để hiểu nhé!
Bước 1: Thăm khám tổng quát xem tình trạng răng, xương hàm, cung hàm
Để chuẩn bị cho quá trình niềng răng, đầu tiên, các bác sĩ sẽ thực hiện bước thăm khám tổng quát, chụp phim CT xem tình trạng răng, cũng như phần xương hàm, cung hàm để có thể đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp nhất.
Khi đã nắm rõ tình trạng răng, xương hàm... nha sĩ sẽ tiến hành lấy dấu hàm để làm mẫu răng.
Đây được cho là cơ sở để bác sĩ thiết kế mắc cài tương ứng với cung hàm của từng người. Việc làm này cũng nhằm đảm bảo tính chính xác khi bác sĩ bắt đầu lắp mắc cài lên trên mỗi răng của bạn.
Bước 2: Lấy dấu hàm, thiết kế mắc cài phù hợp
Trên cơ sở số liệu đã thu được, lấy dấu hàm và phim chụp, bác sĩ sẽ thiết kế mắc cài phù hợp với từng bước, từng giai đoạn niềng răng và sự dịch chuyển của răng trên cung hàm.
Bước 3: Vệ sinh răng miệng sạch trước khi chính thức gắn mắc cài
Trước khi chính thức tiến hành niềng răng, bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng một cách cẩn thận nhất có thể.
Toàn bộ phần cao răng sẽ được lấy sạch để hạn chế tối đa chất bẩn đọng lại trong miệng - bởi sau khi niềng răng, việc vệ sinh răng miệng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Bước 4: Gắn mắc cài
Ngay sau khi vệ sinh răng miệng, bác sĩ sẽ trực tiếp gắn mắc cài lên từng răng. Tùy từng trường hợp, những mắc cài này sẽ được gắn cố định trên bề mặt ngoài (hoặc trong) của răng bởi một loại keo dán đặc biệt.
Tuy nhiên, một điểm lưu ý đặc biệt mà bác sĩ Châu nhấn mạnh đó là khi gắn mắc cài, phần nước bọt ở trong miệng của người gắn cần được loại bỏ sạch. "Chỉ cần 1 chút nước bọt dính vào thôi, keo dán có thể không phát huy hết hiệu quả của nó".
Bước 5: Đi dây cung, đeo thun định hình
Sau khi gắn mắc cài, bác sĩ sẽ kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo mắc cài ở vị trí chính xác nhất trên mỗi chiếc răng. Vị trí mắc cài ở đâu trên răng cũng sẽ phần nào quyết định lực kéo của dây cung và dây thun kết nối giữa các răng với nhau.
Khi đã chắc chắn về vị trí mắc cài, bác sĩ sẽ tiến hành "đi dây" cung và sử dụng thun liên hàm phù hợp.
Bác sĩ Châu chia sẻ rằng, sự dịch chuyển giữa các răng được tạo ra bởi lực kéo cơ học của dây thun và không gây đau đớn như tác động phổ biến của lực cơ học vẫn tạo ra.
Các dây thun kết nối sẽ giúp răng phối hợp, dịch chuyển hài hòa với nhau. Chỉ đến khi trật tự sắp xếp giữa các răng ổn nhất thì kết quả công đoạn niềng răng mới đạt yêu cầu.
Bước 6: Thay dây thun định hình theo lịch khám
Trong quá trình niềng răng, bác sĩ sẽ đặt lịch hẹn thăm khám để có thể nắm được rõ sự dịch chuyển của răng cũng như thay dây thun (nếu bị dão) của người dùng.
Tuỳ vào từng trường hợp bệnh mà bạn sẽ mất khoảng 1,5 - 2,5 năm "đeo niềng" răng. Sau khi răng đã về vị trí ổn định, bác sĩ có thể tiến hành gỡ niềng răng và cho bạn sử dụng niềng răng cố định nhằm giữ răng ở vị trí đúng như vậy trong khoảng 6 tháng nữa trước khi kết thúc hoàn toàn quá trình niềng răng.
Sau thời gian này, bạn sẽ sở hữu một hàm răng đều đặn, với nụ cười rạng rỡ, tự tin hơn bao giờ hết.