Từ thời điểm mạng xã hội ra đời đã thay đổi cuộc sống của chúng ta cực kỳ nhiều. Facebook, Twitter, Instagram,... và vô vàn các ứng dụng hẹn hò, chuyện trò, chia sẻ ảnh khác đang có sức ảnh hưởng rất lớn.
Chúng gần như đã trở thành một phần cuộc sống của chúng ta, khi rất nhiều người có thể dành hàng giờ, hoặc thậm chí chỉ cách vài phút lại online. Mà để làm gì? Để up ảnh, đăng status "so deep", hay chỉ đơn giản lướt bảng tin để xem hôm nay bạn bè ăn gì, đi chơi đâu, dân tình đang có gì "hot"...
Bạn đã sử dụng bao nhiêu mạng xã hội trong số này
Và chỉ tính riêng tại Mỹ, theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew thì có đến 1/4 người Mỹ trưởng thành cho biết họ gần như luôn online. Và nhìn quanh chúng ta, hẳn bạn cũng sẽ phát hiện không ít những người như thế, hay có thể chính bạn cũng vậy.
Vậy hãy tưởng tượng đến một lúc nào đó mà tất cả mạng xã hội đều biến mất, hoặc ít nhất bạn không thể truy cập vào chúng được nữa thì sẽ như thế nào.
Đừng đùa chứ!
Chắc chắn ban đầu một cuộc sống hoàn toàn không online dễ khiến ta bị sốc vì mất đi một thói quen thường ngày, nhưng nếu sau một thời gian làm quen thì liệu cuộc sống đó có phải là quá tệ?
Để trả lời câu hỏi này, nhà khoa học Anh Rowland Atkinson cùng cộng sự đã thử tiến hành nghiên cứu 50 tình nguyện viên. Điểm đặc biệt ở họ là tất cả đều không sử dụng bất kỳ mạng xã hội nào, không dùng smartphone, và thậm chí nhiều người còn từ chối dùng email.
Họ là số rất ít người "không tưởng" còn sót lại trong xã hội ngày nay, khi mọi người đều dán mắt vào đủ loại màn hình.
Cuộc sống của họ liệu có nên lạc lõng trong thế giới hiện đại? Thực ra là không, ngược lại sau đây là những bài học mà những người "không tưởng" ấy có được từ cuộc sống không mạng xã hội.
1. Dành thời gian gặp gỡ mọi người
Mạng xã hội không đơn thuần chỉ là công cụ để con người giao tiếp. Chúng còn có khả năng thúc đẩy và khuyến khích người dùng xoay quanh những mối quan hệ cụ thể được sắp đặt nhờ hệ thống.
Tất cả các tương tác của chúng ta trên mạng đều biến thành dữ liệu, và nguồn dữ liệu khổng lồ này cuối cùng được gửi đến cho các nhà môi giới và tiếp thị. Từ đó những gì bạn nhận được trên bảng tin của mình sẽ được điều chỉnh với mục đích quảng cáo sản phẩm, tăng thời gian tương tác, thậm chí định hướng cảm xúc người dùng.
Vì thế căng thẳng, trầm cảm, lo lắng... là những dấu hiệu thường gặp ở những người dùng mạng xã hội, do các nền tảng của chúng đều được thiết kế đặc biệt để giữ người dùng giữ thói quen lặp lại các hoạt động tương tự nhau.
Đối với những người hoàn toàn không dùng mạng trong nghiên cứu, họ tin rằng cách kết nối tốt hơn là chú trọng vào sự tiếp xúc, truyền cảm, và trò chuyện thực tế. Đối với họ, điều này giúp duy trì mối liên kết giữa con người với nhau.
Và mặc dù chậm hơn hẳn so với cách tương tác qua mạng, nhưng đổi lại chúng ta có thể hiểu rõ và sâu sắc hơn về người khác, từ đó khiến cho mối quan hệ xã hội có giá trị hơn.
Trong khi nhiều người hiện nay chọn việc luôn online để thoát khỏi những áp lực và căng thẳng trong cuộc sống, thì những người không dùng mạng cảm thấy thời gian giao lưu cùng người giúp họ tìm được sự bình tĩnh và mục tiêu cuộc sống của mình.
2. Offline không đồng nghĩa bỏ lỡ các khoảnh khắc
Trên mạng chúng ta có thể có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bạn bè. Thế nhưng những giá trị như tình bạn, sự chia sẻ, kết nối không tỉ lệ thuận với những con số đó.
Những người offline chọn việc gặp gỡ trực tiếp mọi người và dành công sức chăm sóc cho các mối quan hệ. Nhờ vậy, họ có thể nhận được sự hỗ trợ trong những thời điểm khó khăn.
Đồng thời, cảm giác lúc đầu không dùng mạng có thể sẽ khá bứt rứt, nhưng thực tế chúng ta không bỏ lỡ điều gì quý giá, hay bị cô lập khỏi thế giới sôi động này cả.
Ngược lại, chúng ta còn dành thêm được thời gian cho công việc tại cơ quan, hay chuyện trò cùng các thành viên trong gia đình.
3. Tập trung vào thực tại
Khi không phải suốt ngày quay cuồng với những thông tin trên mạng, mọi người sẽ có thời gian để cảm nhận một "thế giới thực tại", với những điều xảy ra ngay xung quanh.
Điều đó giúp họ được thư giãn và tái tạo năng lượng để chuẩn bị cho những quãng thời gian căng thẳng hơn, điều mà bạn sẽ khó có được khi phải tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh của các màn hình điện tử.
Một sự thật hiển nhiên là khi chúng ta online càng nhiều thì thời gian rảnh đúng nghĩa "không làm gì cả" sẽ càng ít. Trong khi đó là khoảng thời gian rất quý giá để trí óc con người có thể được giải phóng khỏi những áp lực của cuộc sống thường ngày.
Kết:
Những người chọn offline trong nghiên cứu không thuộc dạng chống xã hội hay quay ngược sự phát triển, mà có thể chính họ đang là tiên phong cho lối sống trong tương lai chú trọng đến hạnh phúc, nghỉ ngơi nhiều hơn, và mang tính "xã hội" hơn theo đúng nghĩa của từ này.
Cho nên nếu lỡ xảy ra biến cố không còn tồn tại mạng xã hội như tưởng tượng ban đầu, thì sau đó chưa hẳn là khoảng thời gian kinh khủng.
Nguồn: Science Alert