1. Ngày 12/8, Barca xác nhận đã bỏ ra 40 triệu euro để mua điều khoản giải phóng hợp đồng giữa Paulinho và CLB chủ quản Guangzhou Evergrande.
Trong cơn bấn loạn vì để tuột mất Neymar vào tay PSG, việc Barca phải mò sang tận Trung Quốc để chiêu mộ Paulinho để lại những hoài nghi trong lòng các cules. Họ muốn Barca mua một ngôi sao có thương hiệu, giàu tiềm năng chứ không phải một cái tên đã rời xa bóng đá châu Âu từ 2 năm trước đó.
Hoài nghi ấy càng lớn hơn khi ngay trong buổi ra mắt ở sân Camp Nou, Paulinho để lại ấn tượng cực tồi vì màn tâng bóng thảm họa. Chỉ có 2000 CĐV Barca đến sân để chào đón anh và không ít người lắc đầu vì những gì mà Paulinho đã thể hiện.
Con số này không là gì nếu so với 56.500 người tham dự lễ ra mắt Neymar hồi năm 2013. Nói một cách khác, Paulinho bị coi là kẻ "chữa cháy" và đến Barca trong sự ghẻ lạnh từ chính những CĐV của đội nhà.
2. Trận đầu tiên của Paulinho cho Barca ở Liga đến vào ngày 26/8 nhưng anh chỉ có vỏn vẹn 5 phút ra sân sau khi được HLV Ernesto Valverde tung vào sân thay Andres Iniesta ở phút 87.
Ngày 16/9, trong trận đấu với Getafe, Paulinho được tung vào sân ở phút 77 của trận đấu thay cho Ivan Rakitic. 7 phút sau khi có mặt trên sân, Paulinho ghi bàn đầu tiên cho Barca. Điều đáng nói, đó là một pha lập công quan trọng, giúp Barca có chiến thắng 2-1.
Sau liên tiếp 3 trận vào sân từ băng ghế dự bị, Paulinho lần đầu tiên đá chính ở trận gặp Eibar. Anh đá đủ 90 phút và để lại dấu ấn đậm nét khi là tác giả của bàn thắng thứ 2 cho Barca. Bên cạnh đó, Paulinho còn có một đường kiến tạo, giúp Messi nâng tỷ số lên 5-1. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác của cầu thủ người Brazil ở trận này cũng rất cao (94,9%).
Như vậy, để có được 2 pha lập công cho Barca, Paulinho chỉ cần có 4 trận tại Liga, trong đó chỉ duy nhất 1 trận đá chính. Thành tích này rõ ràng tốt hơn cả Neymar ở mùa đầu khoác áo Barca. Khi ấy, ngôi sao người Brazil cần tới 7 trận đấu mới có được hai bàn thắng cho đội chủ sân Camp Nou.
3. Mọi so sánh giữa Paulinho và Neymar luôn khập khiễng. Neymar là một cầu thủ sinh ra để tấn công, để ghi bàn. Ngược lại, nhiệm vụ chính của Paulinho là thiết lập sự cân bằng ở hàng tiền vệ. Ở đó, anh đảm nhiệm vai trò cầu nối, tranh chấp thu hồi bóng và phát động tấn công.
"Nếu Messi là lụa thì Paulinho là thép", đó là một cách ví von rất hay của nhà báo Sani Gimenez trong một bài bình luận vừa đăng trên AS, tờ báo vốn thân Real Madrid. Ông này đã miêu tả Messi chơi bóng mềm như lụa trong khi khi Paulinho là một cục thép màu "đỏ - xanh". Cái chất thép mà Paulinho thể hiện chính là lối chơi dũng mãnh, khả năng tỳ đè và không chiến tốt.
Vẫn còn quá sớm để nói về sự thành công của thương vụ mang tên Paulinho. Nhưng ít nhất cho đến thời điểm này, tiền vệ người Brazil chứng minh được anh xứng đáng có một vị trí chính thức ở hàng tiền vệ Barca.
Paulinho đã mang lại sức mạnh vượt trội cho tuyến giữa của đội bóng. Điều này cũng giải thích vì sao ông Valverde đã phải lặn lội sang tận Trung Quốc để đưa anh về với Camp Nou trong sự dè bỉu của dư luận thời điểm đó.