Mới đây, trang inoSMI đã đăng tải một bài viết so sánh Nga và Liên Xô theo 4 khía cạnh: lãnh thổ, dân số, sức mạnh kinh tế và quân sự. Bằng cách này, chúng ta sẽ có câu trả lời Liên Xô hiện tại sẽ như thế nào nếu như tránh được tan rã.
Kể cả khi thiếu sự phát triển của tiến bộ khoa học và kỹ thuật, Liên Xô chắc chắn sẽ vẫn là cường quốc mạnh thứ hai trên thế giới, và Mỹ sẽ không thể vươn tầm ảnh hưởng tới nhiều khu vực trên thế giới như hiện tại.
Vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, 15 quốc gia mới đã hình thành ở Trung Á, Trung và Tây Âu gồm: Nga, Ukraine, Kazakhstan, Uzbekistan,... Quốc gia lớn nhất trong số đó là Nga.
Có thể đánh giá Liên Xô một cách đa chiều theo 4 khía cạnh: lãnh thổ, dân số, kinh tế và các lực lượng vũ trang, và so sánh chúng với nước Nga đương đại.
Đầu tiên là những mặt mạnh của Liên Xô trước khi tan rã:
1. Lãnh thổ
Thành lập vào năm 1917, Liên Xô có diện tích hơn 22 triệu km2. Ở phía tây, biên giới giáp với Ba Lan, ở phía đông kéo dài tới tận Thái Bình Dương, ở phía bắc kéo dài tới Bắc Băng Dương, còn biên giới phía nam kết thúc tại Biển Đen và Biển Caspi. Liên Xô là một quốc gia có diện tích vô cùng rộng lớn.
Tất nhiên, lãnh thổ không phải là tất cả, nhưng ở mức độ nào đó, nó mang ý nghĩa về tiềm lực quân sự và chiều sâu chiến lược của quốc gia.
2. Tiềm lực con người
Vào năm 1989, trước khi Liên Xô tan rã, dân số từng đạt 287 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá chiếm gần 67%. Ngoài ra, dân số từng trong quá trình trẻ hoá và không có bất cứ hiện tượng già hoá sớm và sụt giảm dân số.
3. Sức mạnh kinh tế
Từ thời điểm thành lập và trước lúc tan rã, Liên Xô là quốc gia đứng thứ hai thế giới về quy mô kinh tế. Khi đó, ngành công nghiệp thứ cấp đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế. Vào cuối thập niên 80, GDP của đất nước đạt gần 700 tỷ USD, tương đương gần 70% GDP của Mỹ.
Nhìn chung, nền tảng kinh tế của Liên Xô chính là ngành công nghiệp quân sự-quốc phòng, mà phần lớn sản xuất các sản phẩm quân sự. Tỷ lệ các sản phẩm phục vụ mục đích dân sự và nông nghiệp chỉ chiếm một phần không lớn. Sản phẩm quân sự chiếm gần 80% ngành công nghiệp thứ cấp, bởi vậy tổng sản lượng của nền kinh tế Liên Xô không thua kém Mỹ và sức mạnh quân sự đã có thể gây áp lực thường xuyên lên Mỹ trong trường hợp cần thiết.
4. Sức mạnh quân sự
Các lực lượng quân sự Liên Xô bao gồm 3 quân chủng: lục quân, hải quân và không quân, cũng như các binh chủng phòng không, biên phòng,… Vào thập niên 80, tại Liên Xô có khoảng gần 5 triệu binh lính, hơn 50 nghìn xe tăng và hơn 10 nghìn máy bay các loại, bao gồm cả các máy bay ném bom chiến lược, hơn 29 nghìn khẩu pháo các loại, hơn 1 nghìn tàu chiến và tàu ngầm, cũng như hơn 10 nghìn quả bom hạt nhân.
Trong trường hợp đất nước có chiến tranh và cần thực hiện tổng động viên, Liên Xô có thể nâng gấp đôi sức mạnh quân sự của mình chỉ trong vòng vài tháng.
Tiếp đến là những mặt mạnh của Nga, quốc gia kế thừa chủ yếu của Liên Xô:
1. Lãnh thổ
Vào năm 1991, diện tích của Nga vào khoảng gàn 17 triệu km2, tương đương 76% lãnh thổ của Liên Xô cũ. Những lãnh thổ được kế thừa chính là phần ở Tây Âu và vùng Siberia thưa dân.
2. Tiềm lực con người
Dân số gần 140 triệu người - tương đương khoảng 50% dân số của Liên Xô. Tại Nga đang tồn tại những vấn đề về dân số, cụ thể như tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng.
3. Sức mạnh kinh tế
GDP của Nga đến năm 2017 đạt gần 1,6 nghìn tỷ USD, kém các chỉ số của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Dường như, chỉ số này cao hơn gấp 2 lần các chỉ số GDP tương tự của Liên Xô, nhưng do lạm phát nên người ta thường so sánh tỷ lệ theo phần trăm với các chỉ số của Mỹ.
Vào năm 2018, GDP của Mỹ đạt gần 20 nghìn tỷ USD. Trong giai đoạn này, GDP của Trung Quốc gần tương đương 14 nghìn tỷ USD, trong khi GDP của Nga thậm chí còn không bằng 10% GDP của Mỹ.
4. Sức mạnh quân sự
Tại Nga hiện có khoảng 1 triệu binh lính, còn sức mạnh quốc phòng bao gồm gần 15 nghìn xe tăng, 10 nghìn khí tài thiết giáp, bao gồm cả xe tăng, 10 nghìn pháo các loại và những bệ phóng tên lửa đa nòng, hơn 350 tàu chiến các loại và hơn 3.500 máy bay các loại, cũng như vài nghìn quả bom hạt nhân.
Trong từng khía cạnh được đánh giá ở trên, Nga và Liên Xô có sự khác biệt đáng kể, và phần lớn vũ khí Nga đang sử dụng vẫn là của Liên Xô hoặc được thiết kế theo các bản vẽ của Liên Xô. Tuy nhiên, Nga vẫn là cường quốc quân sự đứng thứ hai thế giới và đang triển khai chính sách của mình tại nhiều nơi.
Điều này cũng được khẳng định bằng một loạt những khía cạnh khác: nếu như Liên Xô vẫn còn tồn tại, nhiều khả năng tình hình chính trị trên thế giới sẽ có sự khác biệt rất lớn so với hiện tại.
Những so sánh trực tiếp mang tính khách quan về các khía cạnh trên đây có những hạn chế nhất định bởi vì còn các yếu tố khác như tinh thần chiến đấu, khả năng tổng động viên hay kinh nghiệm chiến trường. Tất cả các yếu tố chủ quan này cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng rất khó có thể tính toán cụ thể. Nhưng nhìn chung, Liên Xô ít ra cũng không hề thua kém Nga.
Như vậy, nếu như Liên Xô vẫn còn tồn tại, thì quốc gia này chắc chắn sẽ là cường quốc thế giới và không thua kém Mỹ quá nhiều. Ngoài ra, cuộc chiến để giành lấy vai trò "bá chủ thế giới" giữa Mỹ và Liên Xô có khả năng vẫn chưa thể chấm dứt.