“Nếu không cẩn thận, khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngành ngân hàng”

Quang Hưng |

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang đi trên dây, vừa phải điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ doanh nghiệp, tất cả dồn vào ngành ngân hàng.

“Nếu không cẩn thận, khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngành ngân hàng” - Ảnh 1.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 tổ chức ngày 10/5, các chuyên gia cho rằng gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn đang dồn lên vai hệ thống ngân hàng do thị trường vốn vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao và theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao như những năm trước đây sẽ rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng nhận định: “Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đi trên dây, vừa phải điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ doanh nghiệp. Tất cả dồn vào ngành ngân hàng”.

“Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng cảnh báo.

Theo ông Hùng, mặc dù Thông tư 02/2023 đã được ban hành nhưng các tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Các ngân hàng tự quyết định, tự điều chỉnh, tự cơ cấu nợ,…Nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.

“Tôi cho rằng NHNN điều hành rất phù hợp với tình hình thực trạng của nền kinh tế. Và nếu không có tình hình thực trạng nền kinh tế Việt Nam như vậy thì không có chuyện giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh FED tăng lãi suất”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đánh giá về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, bà Hà Thị Kim Nga, cán bộ kinh tế cao cấp Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hiện đang phải chèo lái một trạng thái cân bằng rất khó khăn giữa việc kiềm chế lạm phát và tránh tăng trưởng giảm tốc mạnh và đồng thời xử lý được các tình trạng bất ổn liên quan đến thị trường bất động sản.

Bà Hà Thị Kim Nga khuyến nghị NHNN nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá; đồng thời, đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản.

Trước đó, phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho biết, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành CSTT, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.

Cụ thể là làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Đồng thời, vẫn phải giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng phải làm sao vừa duy trì an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế. Trong các tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng rất chậm, nhưng nếu nới lỏng tín dụng thì sẽ tiềm ẩn rủi ro.

Theo Phó Thống đốc, khó khăn của nền kinh tế là một tổng thể và trong đó có thể phân ra khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Tuy nhiên, nếu hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng.

"Mong muốn về giảm lãi suất của doanh nghiệp là chính đáng, ngành ngân hàng cũng không ai muốn lãi suất huy động và cho vay cao, song chúng ta còn phải tính tới sự ổn định vĩ mô, tỷ giá… tựu trung là ổn định hệ thống ngân hàng", ông Phạm Thanh Hà phân tích.

Về phía các ngân hàng, ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT VietinBank cho rằng, năm 2022, ngành ngân hàng phải đối với mặt với rủi ro thanh khoản, biến động về tỷ giá lãi suất và rủi ro danh tiếng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay việc phân phối bảo hiểm.

Bước sang năm 2023, hệ thống ngân hàng lại đối mặt với rủi ro tín dụng. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ GDP/tín dụng ở mức rất cao, thu nhập từ lãi của hoạt động cho vay là một thu nhập trọng yếu. Khi các ngân hàng suy giảm chất lượng nợ, thoái lãi dự thu, gặp rủi ro về an ninh giao dịch… thì phải trích lập nhiều hơn, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải tập trung hỗ trợ khách hàng theo yêu cầu của NHNN,.

“Nếu không cẩn thận, khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngành ngân hàng” - Ảnh 2.

Các diễn giả tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”

Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nhận định khó khăn của ngành ngân hàng khiến ACB phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng để phù hợp với thị trường

Cũng theo ông Hân, với Thông tư 02, một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng, bản thân ngân hàng cũng hoạt động như một doanh nghiệp trong một hoạt động kinh doanh đặc biệt.

“Ngân hàng sẽ áp dụng một cách thận trọng, vừa bảo đảm nền tảng tài chính, vừa bảo đảm hỗ trợ khách hàng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ”, đại điện ACB nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại