Mùa bụi mịn ở miền Bắc
Bên lề lễ phát động Chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - vì tương lai xanh” diễn ra tại Hà Nội mới đây, PV Tiền Phong đã ghi nhận ý kiến của các chuyên về vai trò quan trọng của c ộng đồng trong việc chung tay, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh vì hôm nay và mai sau.
Ô nhiễm không khí (bụi mịn PM2.5) đang là vấn đề nóng bỏng của nhiều thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội và TPHCM. Qua theo dõi số liệu quan trắc mấy năm gần đây, tại Hà Nội, có năm có tới hơn 30% số ngày trong năm chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và mức kém.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam - tỏ ra lo ngại khi đây là xu thế này không giảm mà ngày càng tăng.
"Nhiều người đã dùng từ “mùa ô nhiễm ” thay cho “mùa đông” ở các tỉnh miền Bắc. Thành phố to nhưng lại bị uy hiếp bởi những hạt bụi mịn PM2.5 nhỏ li ti mang theo đầy chất độc hại với đường kính nhỏ hơn 2.5um, nhỏ hơn 30 lần sợi tóc con người. Chúng đặc biệt nguy hiểm vì có thể luồn sâu vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi, làm giảm chức năng của phổi, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.
Bụi mịn là nguyên nhân gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ. Ngoài ra, các chuyên gia của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố PM2.5 là nguyên nhân đứng thứ tư gây tử vong sớm. Theo ước tính, hàng năm có đến 4,3 triệu người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm bụi mịn PM2.5", TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng trên, Việt Nam đã có những cam kết chuyển đổi xanh mạnh mẽ với cả thế giới, mục tiêu “zero carbon 2050” là một trong số đó. Để thực hiện cam kết trên, tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải”.
Mục tiêu là đến năm 2040, tại Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
TP. Hà Nội cũng đang rất quyết tâm thực hiện giao thông xanh. Mới đây Hà Nội dự kiến chi 43.000 tỷ đồng từ nay đến 2030 đầu tư xe buýt xanh.
TPHCM hiện đang triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành. Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.
"Chuyển đổi xanh là con đường tất yếu mà chúng ta phải đi. Chuyển đổi xanh trong sản xuất, trong phát triển kinh tế, trong tất cả mọi lĩnh vực", Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam khẳng định.
"Không chuyển đổi sớm thì lại đứng ngoài lề của sự phát triển"
PGS, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - khẳng định: "Phát triển xanh là một sứ mệnh lịch sử - thời đại, là nhiệm vụ có tính toàn cầu. Việc thực hiện sứ mệnh lịch sử đó đang đặt ra như một thách thức gay gắt bậc nhất, đòi hòi sự đồng lòng, chung sức ở tầm trí tuệ cao nhất, với quyết tâm hành động mạnh mẽ nhất của tất cả chúng ta.
Theo ông Thiên, cả thế giới đang thay đổi theo thời đại phát triển, từ trạng thái "nâu" sang trạng thái "xanh". Việt Nam đã có những cam kết chuyển đổi xanh mạnh mẽ với cả thế giới, tuy đi sau, song Việt Nam dám chấp nhận thách thức và hành động. Tuy nhiên, ông Thiên bày tỏ quan ngại vì Việt Nam vẫn trong trạng thái "nâu": "Đông đảo nhận thức về thực chất khái niệm xanh, cơ chế vận hành, giá trị của xanh đều chưa đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp phải lùi lại các chương trình giảm phát thải của mình vì các tiêu chí để hành động đều chưa rõ ràng".
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng người dân Việt Nam là yếu tố hàng đầu hiện nay. Cả xã hội phải cùng thực hiện như 1 lời cam kết cho bản thân mình, cho chính cuộc sống của mình và cho những thế hệ tương lai của Việt Nam.
"Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có người tiên phong, người đi đầu, dám nghĩ dám làm rồi mới kêu gọi mọi người. Nếu không ai dám làm, ai cũng ngần ngại thì không thể thay đổi được gì" - bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan nêu việc chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành vận tải, đó là trường hợp xe điện tại Việt Nam như VinFast và rất nhiều các doanh nghiệp khác đang dần thay đổi. Phải có nhiều doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay như thế nữa mới góp phần tạo nên tác động xã hội, thực hiện mang tương lai xanh về cho đất nước.
Cần sự đồng hành của Nhà nước, Chính phủ
PGS, TS. Trần Đình Thiên khẳng định: "Trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, chúng ta đã đi sau nhiều nước, vì vậy chúng ta cần "tiến vượt để tiến kịp". Chúng ta phải "tiến vượt" các quốc gia đi trước mình và "tiến kịp" thời đại, không thể nhởn nhơ bước từng bước được".
"Chúng ta đang có sự đồng lòng ủng hộ của Nhà nước, Chính phủ, nhưng vẫn cần phải có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa. Chúng ta có kinh nghiệm của các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nền kinh tế khác, rằng sự thần kỳ không tự dưng xuất hiện, đó chỉ có thể là kết quả của khát vọng vươn lên và sự đồng lòng của cả dân tộc" - ông Thiên nói.
Vị chuyên gia dẫn chứng về những trường hợp điển hình như tại châu Âu, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua luật cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2035. Trung Quốc đã dốc toàn lực cho xe điện, những chính sách của quốc gia này là định hướng để phát triển xe điện.
"Với Việt Nam, hiện Nhà nước có quan tâm nhưng sự hỗ trợ là chưa đủ, ở góc độ kinh tế, những chính sách yểm trợ phải mạnh mẽ hơn nữa. Chính sách ở đây có rất nhiều, như bảo lãnh, cho vay vốn, thậm chí có cam kết đây là thương hiệu quốc gia...", ông Thiên nêu quan điểm.