Nếu ICBM Triều Tiên do chính người Mỹ "phóng tác" ra?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Mỹ xác nhận Triều Tiên có ICBM, nhưng không thể loại trừ khả năng Mỹ thổi phồng vụ việc để có cớ thôi thúc cả thế giới đối phó Triều Tiên.

Sự thừa nhận của Mỹ

Thông thường xưa nay, những thông báo chính thức của Triều Tiên về kết quả các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa thường bị Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và cả bộ phận rộng rãi dư luận bên ngoài cho rằng quá mức và thổi phồng. Họ cho rằng Triều Tiên chơi trò chiến tranh tâm lý chứ thành quả của chương trình hạt nhân và tên lửa không được như vậy.

Nhưng ở lần Triều Tiên phóng tên lửa vừa rồi, không phải ai khác ngoài đích thân Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đã xác nhận là Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

ICBM - Con chủ bài mới làm thay đổi cuộc chơi - Ảnh 1.

Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson

Theo định nghĩa thông dụng hiện tại, ICBM phóng đi từ Triều Tiên có thể vươn tới được lãnh thổ Mỹ, ít nhất thì cũng tới bang Alaska của Mỹ.

ICBM lại có thể mang đầu đạn hạt nhân và là biểu hiện rõ ràng nhất, thuyết phục nhất về thành tựu mới nhất của Triều Tiên trong việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa - bất chấp bị Mỹ, đồng minh và LHQ trừng phạt về kinh tế, tài chính và thương mại cũng như cô lập về chính trị.

Mỹ đã chính thức công nhận rằng Triều Tiên hiện có trong tay con át chủ bài mới có khả năng làm thay đổi cuộc chơi.

Chẳng phải thế hay sao khi tầm bắn của vũ khí của Triều Tiên đã vươn tới lãnh thổ Mỹ, khi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn tiến triển. Chẳng phải như thế sao khi Triều Tiên càng có thêm những con chủ bài chiến lược như thế này thì càng dễ đối phó với Mỹ và Mỹ buộc phải thận trọng cân nhắc gấp nhiều lần trước đây khi trù tính tấn công quân sự Triều Tiên.

Thực hư chuyện Triều Tiên có ICBM

Vì ICBM có ý nghĩa quan trọng đến thế nên câu hỏi được đặt ra đầu tiên là Triều Tiên thật sự đã có vũ khí này hay chưa.

Triều Tiên nói có và không có gì khó hiểu vì sao Triều Tiên quả quyết như vậy. Do khó kiểm chứng nên hiệu ứng răn đe và tác động tâm lý của việc ấy rất lớn. Có thể thật như thế, nhưng cũng có thể chỉ là hoả mù và dù có là gì thì Triều Tiên cũng vẫn thu về hiệu ứng như mong muốn.

ICBM - Con chủ bài mới làm thay đổi cuộc chơi - Ảnh 2.

Lãnh đạo Triều Tiên kiểm tra tên lửa đạn đạo Hwasong-14. Ảnh: KCNA

Nga và Hàn Quốc bày tỏ hoài nghi, cho rằng tên lửa Triều Tiên vừa phóng không phải ICBM. Sự thật có thể như thế nhưng cũng có thể họ chủ ý biểu lộ như thế. Không phải ICBM tức là cuộc chơi vẫn cũ chứ không mới và vì vậy Mỹ không cần phải leo thang căng thẳng tiếp với Triều Tiên.

Cả hai - cũng như Trung Quốc - có lợi ích thiết thực khi vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên chừng nào chưa được giải quyết thì nguyên trạng chứ không trầm trọng thêm. Họ tránh đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng và đối đầu hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên.

Mỹ xác nhận Triều Tiên có ICBM. Sự thật có thể như thế nhưng cũng lại không thể loại trừ khả năng Mỹ thổi phồng vụ việc này để có cớ thôi thúc cả thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, cùng nhau đối phó Triều Tiên. Chẳng phải ông Tillerson sau khi xác nhận Triều Tiên có ICBM đã kêu gọi cả thế giới đối phó Triều Tiên hay sao?

Cái mập mờ giữa thật và ảo này xem ra có lợi cho tất cả các bên.

Mỹ: Mọi khả năng đều để ngỏ

Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy - Mỹ công nhận Triều Tiên có ICBM nên Mỹ không thể không có biện pháp chính sách đối phó mới. ICBM của Triều Tiên làm Mỹ thêm khó khăn và khó xử bởi Mỹ không còn có nhiều sự lựa chọn mới để đối phó Triều Tiên.

Thiên hạ lại nghe thấy nhiều đại diện của Mỹ lớn giọng đề cập đến chuyện tấn công quân sự Triều Tiên trong khuôn khổ tuyên bố "mọi khả năng đều để ngỏ". Đối với cả Mỹ lẫn Triều Tiên trong chuyện này, ai tấn công quân sự trước chẳng khác gì tự sát. Nhưng bên này chắc chắn sẽ phản công quân sự lại một khi bị bên kia tấn công quân sự.

Chậm nhất cho tới thời điểm hiện tại, phía Mỹ chắc chắn đã phải nhận ra là Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như có đủ tiềm lực quân sự để gây thiệt hại lớn cho Mỹ và Hàn Quốc. Kịch bản này chỉ xảy ra khi một trong hai bên hoặc cả hai bên không còn thật sự kiểm soát được tình hình.

ICBM - Con chủ bài mới làm thay đổi cuộc chơi - Ảnh 3.

Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân.

Mỹ có thể tìm cách xiết chặt những biện pháp trừng phạt và cấm vận Triều Tiên. Trên phương diện này, Mỹ và LHQ cùng các đồng minh gần như đã làm hết những gì có thể làm được nên có thêm nữa chắc cũng chẳng gây được ấn tượng mới đối với Triều Tiên.

Trừ khi Mỹ nhằm trực diện vào những công ty và ngân hàng của Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, tức là Mỹ gia tăng áp lực đối với Trung Quốc. Không có sự hợp tác và đồng hành của Trung Quốc và Nga, Mỹ không thể thành công được với đối sách này, kể cả khi Mỹ phong toả toàn bộ vùng biển xung quanh Triều Tiên.

Mỹ có thể tiến hành cuộc chiến tranh tình báo và tấn công mạng nhằm huỷ hoại chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên - như Israel đã làm với chương trình hạt nhân của Iran. Kết quả của biện pháp này chỉ nhất thời và không phải là cơ bản.

Khủng hoảng càng trầm trọng thì cơ hội cho ngoại giao phất cờ càng lớn. Cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều không cự tuyệt đối thoại và đàm phán, nhưng bên nào cũng đưa ra điều kiện tiên quyết nên từ gần 10 năm nay rồi hai bên không thể đàm phán và đối thoại được với nhau.

ICBM - Con chủ bài mới làm thay đổi cuộc chơi - Ảnh 4.

Trung Quốc và Nga vừa đưa ra đề nghị đàm phán mới là Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa còn Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt tập trận chung. Đề nghị này dễ được Triều Tiên hơn là Mỹ chấp nhận vì Mỹ không tin Triều Tiên thật sự muốn đàm phán còn Triều Tiên vừa có được thời gian vừa tranh thủ được Trung Quốc và Nga.

Qua biểu lộ thái độ và phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự có thể thấy hiện tại phía Mỹ chưa có được sách lược rõ ràng để đối phó với tình huống mới.

Có thể quá trình suy tính và hoạch định đối sách ở Mỹ chưa kết thúc và gặp bất đồng quan điểm nội bộ. Có thể phía Mỹ chờ đến sau các cuộc gặp của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề Hội nghị cấp cao nhóm G20 tại Hamburg (Đức).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại