Bạn biết đấy, loài người mới đây đã lần đầu tiên trong lịch sử chụp thành công bức ảnh về một hố đen vũ trụ , và có thể nói đó là một thành tựu mang tầm vóc thế kỷ.
Đối tượng của bức ảnh là M87 - một siêu hố đen nằm tại trung tâm thiên hà Virgo A cạnh chúng ta. Bức hình có dạng vòng tròn phát sáng, được nhiều người nhận xét là trông giống một con mắt đang bốc lửa.
Nhưng nếu ví bức ảnh M87 là một con mắt, thì đó là con mắt của một vị thần, vì bất kỳ ai khi nhìn vào đây cũng sẽ cảm thấy bản thân mình nhỏ bé đến mức nào. Chỉ cần, họ hiểu được tầm vóc thực sự của hố đen này mà thôi - một con quái vật thực sự.
"Quái vật" M87 nằm cách chúng ta 55 triệu năm ánh sáng, giữa thiên hà có bán kính là 60.000 năm ánh sáng, nhỏ hơn thiên hà của chúng ta một chút (Dải Ngân hà có bán kính 100.000 năm ánh sáng).
Vì là một siêu hố đen nên độ đặc của M87 vượt quá những gì một người có thể nghĩ đến. Lượng vật chất nó chứa đựng có khối lượng bằng 6,5 tỉ lần Mặt trời của chúng ta. Tất cả nhồi vào trong vùng không gian rất nhỏ bé, và nhờ thế hố đen mang lại một lực hút cực kỳ khủng khiếp. Đến mức, ánh sáng đi ngang qua cũng sẽ bị hút tụt vào trong.
Muốn thoát khỏi hố đen, một photon ánh sáng buộc phải ở cách trung tâm hố đen ít nhất là 18 tỉ kilomet - tương đương 122 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Chỉ cần vượt quá ngưỡng này, nó sẽ vĩnh viễn bị hút vào một khoảng không đen tối mà chẳng sinh vật nào trên đời biết được chuyện gì xảy ra sau đó.
Nhìn những con số ấy, bạn có thấy mình nhỏ bé? Nếu chưa, bức hình dưới đây có thể giúp bạn hình dung được điều đó. Bức hình do Randall Munroe từ xkcd - một website chuyên về minh họa thực hiện, để so sánh tương quan giữa M87 và toàn bộ hệ Mặt trời của chúng ta.
Pluto (sao Diêm vương) là hành tinh lùn cách xa Mặt trời nhất, nên có thể nói đó là giới hạn của Thái dương hệ. Voyager 1 thì đã vượt qua Hệ Mặt trời, và đang trên đường "chu du" giữa các vì sao
Tham khảo: Science Alert