Nếu dự án 5.980 tỷ đồng này được thực hiện, TP.HCM sẽ tiết kiệm được 981 tỷ đồng mỗi năm

Pha Lê |

Dự án sẽ được chuẩn bị trong giai đoạn 2024 - 2025, và giai đoạn 2025 - 2030 sẽ tiến hành thực hiện.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại TP.HCM diễn ra nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của thành phố.

Theo đánh giá của ông Marc Forni, Chuyên gia trưởng Năng lực thích ứng đô thị của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), trong trung và dài hạn, Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững.

Chính vì vậy, phục hồi tính cạnh tranh của TP.HCM thông qua chú trọng vào phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp là một trong những ưu tiên cần được thực hiện trong thời gian tới.

UBND TP.HCM mới đây đã phối hợp World Bank tại Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM. Trong hội nghị này, nhóm công tác chung TP.HCM - World Bank (HWG) đã trình bày đề xuất kêu gọi đầu tư dự án đô thị carbon thấp tại Thành phố.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu, nhóm công tác chung giúp giảm phát thải carbon trên quy mô lớn thông qua thực hiện các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn đối với tài sản công và tài sản tư nhân.

Dự án tập trung vào các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng, có thể thực hiện trên quy mô lớn và đã được chứng minh hiệu quả qua kinh nghiệm quốc tế. Các giải pháp bao gồm: Nâng cấp lên đèn đường LED, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, trang bị thêm các thiết bị tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi sang xe điện.

Nếu dự án 5.980 tỷ đồng này được thực hiện, TP.HCM sẽ tiết kiệm được 981 tỷ đồng mỗi năm- Ảnh 1.

Minh họa đô thị carbon thấp (Nguồn: MOLOC/ Interreg Europe)

Dự án sẽ được chuẩn bị trong giai đoạn 2024 – 2025, và giai đoạn 2025 – 2030 sẽ tiến hành thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD (5.980 tỷ đồng). Trong đó vốn vay ngân hàng thế giới là 170 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại từ chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD, còn lại 30 triệu USD là vốn đối ứng của TP.HCM.

Nếu dự án này được thực hiện, theo tính toán của nhóm công tác chung, giá trị tiết kiệm điện cho Thành phố trung bình hàng năm là 981 tỷ đồng, tương đương 41 triệu USD; tiết kiệm điện cho ngân sách trong 15 năm là 8.397 tỷ đồng, tương đương 351 triệu USD.

Đồng thời thúc đẩy tiết kiệm điện trong khu vực tư nhân trung bình 2.015 tỷ đồng/năm, tương đương 84,2 triệu USD/năm. Ngoài ra, nguồn thu từ tín chỉ carbon trong 10 năm là 1.602 tỷ đồng, tương đương 67 triệu USD (giả định tín chỉ carbon là  20 USD/tín chỉ).

Trong đó, 645,9 tỷ đồng sẽ đóng góp trực tiếp vào nguồn thu ngân sách Thành phố, và 957 tỷ đồng được tạo ra từ tổng lượng giảm phát thải của các giải pháp triển khai bởi khối tư nhân và đóng vai trò tạo khích lệ tài chính cho khối tư nhân.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, cho biết: Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của biến đổi khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050.

Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này và đang duy trì tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới. Tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại