Nếu đeo bám tới cùng 110 máy bay Nga, Không quân Iran nay đã khác: Mỹ đừng hòng gây hấn!

Chỉ Nhàn |

Giá như năm 1992, Iran quyết tâm có được 110 máy bay chiến đấu Nga trong đó có những "anh tài" MiG-31, Tu-22M thì sức mạnh không quân nước này sẽ khiến Mỹ cũng phải e dè.

Sau sự kiện hai tàu chở dầu bất ngờ phát nổ ngoài khơi eo biển Hormuz đang nóng bỏng, quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục leo thang căng thẳng tới mức người ta đã nghĩ nhiều tới chiến tranh.

Thật vậy, dù chưa có kết quả điều tra độc lập đáng tin cậy, nhưng Mỹ liên tiếp tung ra hàng loạt bằng chứng cáo buộc Iran là tác giả của vụ tấn công tàu dầu. Động thái này như là Washington đang tìm một cái cớ hợp lý để tiến hành chiến dịch quân sự chống Iran.

Trong một động thái liên quan, hôm 17/6 Tehran tuyên bố sẽ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân được ký kết trước đây nhằm ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, còn Washington quyết định triển khai 1.000 binh sĩ tới Trung Đông. Chiến tranh có vẻ như đã cận kề!

Lúc này, một lần nữa người ta bắt đầu nhìn lại năng lực quân sự của Quân đội Iran.

Tiêm kích chủ lực bị Mỹ "bắt thóp"!

Đánh giá chung, Iran có một lực lượng vũ trang tương đối mạnh ở Trung Đông, họ nổi trội với kho tên lửa tự chế đa dạng, dĩ nhiên để bắn tới Mỹ thì không, nhưng hủy diệt căn cứ quân sự hay đồng minh Mỹ xung quanh thì thừa sức.

Về lục quân, Quân đội Iran cũng nằm ở mức khá với 1.500 xe tăng, trên 3.000 khẩu pháo có xuất xứ đa dạng từ Nga, Mỹ, châu Âu và một phần tự chế tạo.

Dẫu vậy, trang bị không quân và nhất là hải quân thì không quá tốt. Đặc biệt là lực lượng không quân - phải đối đầu với cuộc không kích tiềm tàng từ máy bay Mỹ ở mức trung bình và dễ bị Mỹ "bắt thóp".

Bởi các máy bay chủ lực của Iran hiện nay - F-14A Tomcat vốn là thiết kế của Mỹ, được chuyển giao cho Tehran trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Do lệnh cấm vận của Mỹ sau đó, số F-14 này hao hụt dần và tới nay chỉ còn khoảng 24-28 chiếc còn phục vụ.

Rõ ràng là người Mỹ nắm trong tay mọi ưu - nhược điểm của F-14A vì họ cũng có một thời gian rất dài khai thác sử dụng chúng. Cứ cho là Iran đã sửa đổi một phần F-14A bằng công nghệ từ Nga - Trung nhưng thiết kế cơ bản, đặc tính bay của nó thì không đổi.

F-14 khó có thể tạo thành mối đe dọa với các tiêm kích F/A-18 hay F-35 chứ chưa nói tới F-22!

Nếu đeo bám tới cùng 110 máy bay Nga, Không quân Iran nay đã khác: Mỹ đừng hòng gây hấn! - Ảnh 1.

"Chỗ dựa" của Không quân Iran - tiêm kích F-14 Tomcat đã bị Mỹ nắm mọi ưu nhược điểm.

Phần còn lại của Không quân Iran là khoảng 50 chiếc F-4 Phantom II cũng là máy bay nổi tiếng của Mỹ; 20 chiếc MiG-29 tương đối cũ; 17 tiêm kích F-7 của Trung Quốc và vài chục máy bay cường kích.

Họ từng có tuyên bố là sản xuất thành công máy bay tiêm kích nội địa Saeqeh có năng lực mạnh mẽ. Nhưng nhìn vào hình dáng, trông nó như máy bay tiêm kích một chỗ ngồi F-5 lắp thêm một cánh đuôi. Sức mạnh xem ra không có gì thay đổi để khiến người Mỹ phải sợ hãi.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Không quân Iran hiện tại không có cửa để đối với sức mạnh Không quân - Hải quân Mỹ. Họ khó tạo nên kỳ tích rõ ràng!

Phải chi những năm 1990, Iran cố gắng làm tất cả mọi thứ như với thương vụ S-300 thì nay không phải canh cánh về sức mạnh không quân.

Nga sẵn sàng bán MiG-31, Tu-22M, nhưng "không có duyên"!

Theo tạp chí Warisboring, cuối những năm 1980, Liên Xô trong cơn khủng hoảng kinh tế bắt đầu cố gắng cải thiện tài chính bằng việc xuất khẩu vũ khí, đặc biệt Moscow sẵn sàng bán cả máy bay "hàng hiếm" như MiG-31.

Lúc bấy giờ, một trong những quốc gia mà Moscow để mắt tới là Iran - đất nước vừa ra khỏi chiến tranh với Iraq và đang mong muốn hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Khi đó, đại diện Liên Xô đã tiếp cận Iran với lời đề nghị 72 chiếc MiG-29, 24 MiG-31 và 36 Su-24. Dẫu vậy, Tehran không thể kham nổi kế hoạch này và chỉ dám mua 18 MiG-29 và 12 Su-24MK.

Năm 1990, khi các điều kiện kinh tế đã được cải thiện, Tehran đặt hàng Moscow 48 MiG-29 và 24 MiG-31 bổ sung. Tuy nhiên, việc Liên Xô tan rã và áp lực to lớn từ Mỹ khiến hợp đồng không thành.

Năm 1992, Tehran một lần nữa cố gắng đặt mua 48 MiG-29, 24 MiG-27, 24 MiG-31, đặc biệt là họ muốn có 12 máy bay ném bom chiến lược Tu-22M cùng 2 "radar bay" A-50.

Người Nga lúc này đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng rất muốn bán, nhưng Washington tiếp tục làm đủ trò gây khó dễ khiến Moscow từ bỏ thương vụ.

Nếu đeo bám tới cùng 110 máy bay Nga, Không quân Iran nay đã khác: Mỹ đừng hòng gây hấn! - Ảnh 2.

Năm 1992, nếu Iran thành công với dù chỉ MiG-31 hoặc Tu-22M, tình thế này có thể đã khác.

Rõ ràng là với 110 máy bay, sức mạnh Không quân Iran sẽ ở một tầm mới, đặc biệt nằm ở hai cái tên "MiG-31 và Tu-22M".

Trong đó, MiG-31 là tiêm kích siêu âm đáng sợ với Không quân Mỹ ngay cả cho tới thời điểm hiện tại. Với tốc độ tối đa Mach 2,8, nó có thể "bỏ rơi" mọi tiêm kích trên thế giới hiện nay, hay đuổi theo các máy bay với tốc độ kinh hoàng.

Ngoài ra, MiG-31 còn có radar cực mạnh, có tầm trinh sát lớn, vũ khí không đối không có phạm vi tác chiến đến 300km là "thần chết" với máy bay ném bom, máy bay cảnh báo sớm của Mỹ.

Còn Tu-22M là máy bay ném bom tốc độ siêu âm nhanh nhất của Nga lúc bấy giờ, nó còn bay nhanh hơn cả B-1B Lancer của Mỹ.

Đặc biệt, nếu mua được Tu-22M, Iran cũng có thể tiếp cận với phiên bản xuất khẩu của tên lửa hành trình chống hạm Kh-22 có thể tiêu diệt được tàu sân bay.

Giá như có bộ vũ khí mạnh mẽ tới vậy thì nay tình thế có lẽ đã khác, Iran ít nhiều có hi vọng trước một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ.

Thực ra, Iran có lẽ đã hiểu được rằng nếu mình có MiG-31 hay Tu-22M thì có thể "thay đổi cuộc chơi", năm 2001 Tehran đi xa tới mức sẵn sàng thanh toán trước 24 MiG-31.

Tầm ảnh hưởng của Washington khi đó không còn chiếm ưu thế trước Nga, nhưng cũng ép được người Nga từ bỏ và thay bằng việc chuyển giao hệ thống phòng không. Dẫu vậy, rốt cuộc chẳng có thỏa thuận nào được thực hiện.

Iran được cho là đã từng cố mua 250 chiếc Su-30MK hay 270 Su-27 nhưng các kế hoạch này cũng không đi tới đâu.

Tehran chỉ thành công với thương vụ S-300 sau một thời gian cố gắng từ năm 2007 tới tận năm 2018 mới có được các tổ hợp S-300PMU2 giúp họ yên tâm hơn một chút.

Thợ kỹ thuật Iran tự đại tu sửa chữa tiêm kích F-14A Tomcat.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại