Khi đã đến độ tuổi dưỡng lão, bất kỳ người lớn tuổi nào cũng hy vọng có thể được quây quần bên con cháu.
Cùng chung với niềm mong mỏi ấy, họ cũng luôn hy vọng rằng con cái có thể thoải mái sống chung mà không e dè, ngại ngùng hoặc phát sinh mâu thuẫn với bố mẹ.
Theo sự trưởng thành về mặt tuổi tác, con cái của chúng ta chẳng mấy chốc đã đến tuổi thành gia lập thất.
Khi các con đã có sự nghiệp ổn định và yên bề già thất, người lớn tuổi cũng nên bắt đầu thích ứng với cuộc sống về già, hưởng thụ sự an nhàn của những ngày tháng dưỡng lão.
Quây quần bên con cái, cháu chắt luôn là niềm mong mỏi của bậc kỳ người cao tuổi nào. (Ảnh minh họa).
Dĩ nhiên, muốn các phụ huynh cao tuổi buông xuống sự bận tâm đối với con cái, cháu chắt là điều không hề dễ dàng.
Có đôi khi, chính vì sự lo lắng thái quá của các bậc trưởng bối, những gia đình có từ 2 đến 3 thế hệ sống chung trở lên thường xuyên phát sinh nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng cũng như đời sống sinh hoạt.
Làm thế nào để không khiến con cái e dè, ngại ngùng hoặc xa cách, đồng thời bản thân vẫn giữ được sự tôn nghiêm và tự trọng là điều mà các bậc trưởng bối nên chú trọng.
Muốn có được cuộc sống sum vầy và hòa thuận với con cái, các bậc cha mẹ lớn tuổi nên duy trì 10 nguyên tắc vàng dưới đây.
Nguyên tắc thứ nhất: Không chấp nhặt, không tự ái, đơn giản tự nhiên, hết lòng tùy duyên
Thay vì luôn tìm cách áp đặt con cái, cháu chắt phải sống theo quy củ do mình đặt ra, các bậc phụ huynh cao tuổi nên học cách buông bỏ áp lực để sống một cách thanh thản, vui vẻ.
Có lẽ sẽ không phải quá lời nếu nói rằng, trong đời sống hiện tại thứ gì cũng sẽ tăng giá, duy chỉ có tuổi tác càng tăng lên thì giá trị con người lại càng có nguy cơ giảm sút.
Trong đời sống gia đình, chúng ta không nên dựa vào tuổi tác để áp đặt, ép buộc các hậu bối. Điều này chỉ khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên xa cách, mâu thuẫn.
Vì vậy, các bậc cha mẹ lớn tuổi nên chú ý duy trì sự tinh tế trong cách ăn nói, hạn chế dùng những mẫu câu mang tính cực đoan như "hẳn", "phải", "đừng có"…
Nguyên tắc thứ hai: Đừng mãi chìm đắm trong quá khứ, chớ làm khó mình, làm khó người
Những năm tháng dù huy hoàng hay khổ sở trước kia đều đã lùi vào quá khứ. Bạn có thể hồi tưởng, hoài niệm, nhưng đừng ép con cái đắm chìm vào quá khứ của mình. (Ảnh minh họa).
Những câu chuyện mở đầu bằng câu "Nhớ năm ấy…", "Bố/mẹ ngày xưa…" không hẳn là lời nói mà con cháu của chúng ta ngày nay thích nghe.
Trong nhịp sống hối hả của thời đại ngày nay, có nhiều thứ đổi mới nhanh tới chóng mặt. Con cái của chúng ta ngày ngày phải quay cuồng trong guồng quay vội vã ấy, cho nên họ không có thời gian hoài cổ.
Tới một lúc nào đó, các bậc cha mẹ lớn tuổi sẽ nhận ra rằng thế hệ sau không có mấy người muốn cùng họ ôn lại những kỷ niệm về một thời lận đận đã qua hay những vinh quang từ sớm đã lùi vào quá khứ.
Dẫu sao thời đại bất đồng, cuộc sống đổi thay khiến con người thay đổi. Ngay tới rau củ dại chỉ có nhà nghèo ăn chống đói vào ngày xưa, giờ đây có thể đã trở thành sơn hào hải vị đắt đỏ trong nhà hàng.
Vì vậy các bậc trưởng bối không cần vì điều này mà bi quan, cũng đừng lấy đó làm lý do tự làm khó mình hoặc khiến con cái khó xử.
Thay vì chăm chăm bắt con cháu ngày ngày phải "nhai đi nhai lại" một vài câu chuyện về thời xưa cũ, bạn có thể chỉ kể một số chuyện đặc sắc vào những dịp trọng đại, hoặc ôn lại kỷ niệm với những người bạn, người thân đồng trang lứa.
Nguyên tắc thứ ba: Cuộc đời vốn rất ngắn, không cần phí công sân si
Thay vì trở thành nguyên nhân khiến con cái bất hòa, các bậc phụ huynh cao tuổi hãy giúp thế hệ sau của mình hàn gắn những vết rạn nứt trong mối quan hệ gia đình. (Ảnh minh họa).
Ít xen vào chuyện của người khác, ít sân si, so đo những chuyện vặt vãnh trong nhà là cách tốt nhất để hạn chế mâu thuẫn với con cái.
Lời khuyên chân thành dành cho các bậc cha mẹ lớn tuổi chung sống cùng con cháu chính là: Hãy hạn chế làu bàu, than vãn, không nhất thiết lúc nào cũng buộc mình phải gồng gánh trên vai cái chức vụ "chủ quản" trong nhà.
Tuổi già là khoảng thời gian an dưỡng, nghỉ ngơi, bạn nên chọn cho mình một vị trí vừa phải trong gia đình. Những việc con cái có thể tự lo, hãy để cho các con có cơ hội làm chủ.
Đối với những chuyện được coi là đại sự, bạn nên bày tỏ thái độ một cách dứt khoát. Nhưng với những chuyện vặt vãnh, bạn đừng phí công so đo, càu nhàu.
Nên nhớ rằng, thay vì không ngừng tự ý đưa ra quyết định, hãy làm sao để con cái chủ động hỏi ý kiến mình, đó mới là sự tự tôn mà người lớn tuổi nên có.
Nguyên tắc thứ tư: Chăm sóc tốt bản thân để không mang thêm phiền toái cho con cái
Chăm sóc tốt bản thân, tận hưởng niềm vui của việc an dưỡng tuổi già là điều mà các bậc trưởng bối nên làm trong những năm tháng dưỡng lão. (Ảnh minh họa).
Với vô số những gánh nặng về gia đình, công việc trên vai, người trẻ tuổi ngày nay chắc chắn bận bịu và áp lực hơn nhiều so với người cao tuổi.
Nếu những người bố, người mẹ lớn tuổi có thể gọi điện khi nhớ con, thì lúc con cái nhớ chúng ta, e rằng ngay cả tới thời gian gọi điện cũng chẳng có.
Do đó, bạn không nên vì những chuyện cỏn con này mà sầu não. Hãy học cách chăm sóc thật tốt bản thân mình, bởi con cái của chúng ta phải bươn chải dòng đời ngoài kia vốn đã đủ mệt mỏi rồi.
Nguyên tắc thứ năm: Kể công là cách nhanh nhất biến lòng thảo thành gánh nặng
Nếu đã tự nguyện hy sinh, đừng đem lòng hy vọng có hồi báo. Người cao tuổi không nên suốt ngày kể lể về những việc mình đã làm để giúp đỡ người khác, đặc biệt là giúp đỡ con cái.
Phụ con trẻ nấu cơm, giặt giũ, trông cháu… vốn không phải việc gì quá khổ sở, quá vất vả, nên đừng bao giờ mang thái độ trịch thượng hoặc không ngừng than vãn, kể công.
Bởi chỉ một lời than phiền ấy thôi cũng có thể khiến cho tấm lòng của chúng ta bị con cái hiểu nhầm thành gánh nặng.
Nguyên tắc thứ sáu: Không nên cố thay đổi người khác, mỗi người đều có cách sống của riêng mình
Tuổi tác đã cao, chúng ta nên theo đuổi sự thanh nhàn, tự tại chứ không phải sự so đo, sân si. (Ảnh minh họa).
Đừng có tìm cách thay đổi người khác. Bởi mỗi người là một bản thể khác nhau, mỗi cá nhân đều có thói quen và lối sống của riêng mình.
Cuộc đời này vốn không có đúng tuyệt đối, cũng không có sai hoàn toàn. Nếu đã không thể thay đổi người khác, vậy hãy học cách kiềm chế bản thân mình.
Kỳ thực giang sơn khó đổi, bản tính khó dời, ngay tới chính bản thân bạn cũng có những việc rất khó thay đổi.
Cho nên hãy học cách chung sống hòa bình với các thành viên trong gia đình con cái, đừng mất công soi mói, hạch sách để khiến bản thân thêm nhọc lòng.
Nguyên tắc thứ bảy: Không chỉ trích, không oán thán, giữ tâm lạc quan, tính ôn hòa
Đánh giá người khác đừng nên soi mói, bới móc; Đối xử với người khác cũng đừng quá khắt khe, keo kiệt.
Nếu được con cái mua quà biếu, các bậc cha mẹ cao tuổi không chỉ nên nói câu cảm ơn mà còn nên chủ động đề cập tới chuyện trả tiền.
Mặc dù con cái có lòng mua, tất nhiên không có tâm đòi tiền, nhưng thứ chúng ta cần chính là thái độ song phẳng, tâm trí thản nhiên và khí chất rộng rãi, khoáng đạt như vậy.
Trên thế giới này không có bữa trưa nào miễn phí. Bạn muốn hưởng thụ không khí hài hòa, vui vẻ khi sống chung cùng con cái thì cũng nên chi trả chút ít "tiền vốn". Số vốn không chỉ bao gồm vật chất mà còn bao hàm cả tấm lòng.
Nguyên tắc thứ tám: Hãy coi thể diện của bản thân là thể diện của con cái và gia đình
Chú ý hình tượng của bản thân cũng là cách để người cao tuổi giữ thể diện cho gia đình cũng như con cái của mình. (Ảnh minh họa).
Ăn mặc lôi thôi, lếch thếch không phải là chuyện nhỏ. Tuổi tác đã cao, người già khó tránh khỏi lười biếng. Nhưng dù lười đến đâu cũng đừng bao giờ coi nhẹ việc vệ sinh cá nhân hoặc cách ăn mặc.
Cho dù bản thân ta có tùy hứng đến thế nào, ít nhất hãy cố gắng giữ cho mình sự sạch sẽ, chỉnh tề. Phải biết rằng, đó không phải là việc của riêng bạn mà còn liên quan tới danh dự gia đình và thể diện của con cái.
Cho dù lớn tuổi, nhưng chúng ta vẫn không nên ăn vận một cách qua loa, bừa bãi, lôi thôi, bởi có rất nhiều người đang quan tâm đến ta cũng như gia đình của con cái của ta.
Nguyên tắc thứ chín: Tiếc của tới đâu cũng đừng tích trữ những thứ vô giá trị
Không ít người cao tuổi thường có thói quen trữ đồ, thậm chí nhiều đồ vật đã cũ, hỏng cũng không nỡ vứt đi vì tâm lý… tiếc của!
Nhưng bạn cũng nên nhớ rằng, để có thể có được một căn nhà khang trang, sạch sẽ để ở, con cái của chúng ta ngày ngày phải đổ mồ hôi, hao tổn biết bao công sức.
Vì vậy, đừng trữ trong nhà những đồ đồng nát hay những thứ không còn giá trị sử dụng. Bạn không nên vì một số vật dụng nhỏ nhặt này mà khiến nhà cửa trở nên bừa bộn, càng không nên vì chúng mà phá vỡ hình ảnh của gia đình.
Ảnh: Thấy cái gì cũng tiếc, nhìn cái gì cũng muốn giữ lại, đó là đặc trưng của tuổi già.
Nguyên tắc thứ mười: Đối xử tốt với bản thân, tự dựa vào chính mình
Tuổi tác tăng lên chỉ là vấn đề thời gian, còn tinh thần tự lực và độc lập lại liên quan tới tư tưởng cũng như quan niệm của mỗi người chứ không phải phụ thuộc vào tuổi tác. (Ảnh minh họa).
Con người ta ở độ tuổi nào cũng nên tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, không nên vì tuổi cao mà có suy nghĩ ỷ lại con cái.
Xã hội hiện đại áp lực càng ngày càng lớn, cuộc sống của con cháu chúng ta cũng vì vậy mà chẳng hề dễ dàng.
Huống chi một gia đình nhỏ cũng giống như một chiếc xe hơi bốn chỗ, mặc dù chạy chung đường, nhưng cũng khó mà chở được nhiều người đi chung.
Vì vậy, người cao tuổi nên bảo dưỡng thật tốt chiếc xe của cuộc đời mình. Cho dù chỉ còn lại một mình, bạn cũng nên dũng cảm tiến về phía trước.
Mặc dù chúng ta không thể phụ thuộc vào con cái, nhưng trên con đường ấy, chắc chắn con cái sẽ giúp đỡ và không ngừng cổ vũ cho chúng ta.