Trên thực tế, các bậc cha mẹ nên dành sự chú ý tới tới tâm lý lứa tuổi của trẻ. Bởi trẻ em có tâm hồn rất nhạy cảm, chỉ một số hành động vô ý từ phụ huynh cũng có thể gây cho các bé ám ảnh tâm lý, tạo thành "tâm bệnh" ngay từ khi còn nhỏ.
Vì vậy, khi thấy con trẻ xuất hiện một số biểu hiện bất thường dưới đây, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý để có cách giáo dục, chăm sóc con tốt hơn.
1. Thường xuyên cắn móng tay
Đây là thói quen xuất hiện ở không ít trẻ nhỏ và có nguy cơ "đeo bám" các em cho tới lúc trưởng thành. Với một số trường hợp nghiêm trọng, thói quen này còn có thể phát triển thành nhiều hành vi mang tính tiêu cực như tự cắn đứt tay mình, xé ga trải giường…
Thói quen cắn móng tay hoặc tự cấu da tay bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ yếu. Nguyên nhân thứ nhất là do cơ thể trẻ thiếu một vài nguyên tố vi lượng. Nguyên nhân thứ hai bắt nguồn từ các vấn đề về tâm lý.
Hầu hết các trẻ có thói quen cắn móng tay hoặc cấu da tay do nguyên nhân tâm lý đều bắt nguồn từ việc các em thiếu cảm giác an toàn, thiếu sự quan tâm từ cha mẹ hoặc bất mãn với một vấn đề nào đó thường xuyên xảy ra trong gia đình.
Những nguyên nhân trên khiến trẻ không còn cách nào khác mà phải giải tỏa dưới hình thức bộc lộ cảm xúc thông qua các hành vi tiêu cực như trên.
Cắn móng tay là một thói quen "lợi bất cập hại" cần được loại bỏ ngay từ khi còn nhỏ. (Ảnh minh họa).
Phương pháp giải quyết: Khi con trẻ bắt đầu xuất hiện những thói quen như trên, cha mẹ nên lựa chọn cách tâm sự cùng các bé để hiểu được nội tâm con trẻ. Phụ huynh cũng nên thường xuyên đưa bé ra ngoài chơi để giảm bớt cảm xúc lo âu trong bé.
2. Đột nhiên bỏ cơm hoặc trở nên kén ăn
Khi gặp phải trường hợp bé bỏ cơm, chán ăn, mất hứng thú với cả những món khoái khẩu thường ngày, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý, đặc biệt nếu trước đó bé không có thói quen kén ăn, nhưng ngày càng trở nên kén ăn và mắc một số bệnh nhẹ như cảm mạo, hay phát sốt…
Hành vi này cũng xuất hiện khi cơ thể trẻ khuyết thiếu một số nguyên tố vi lượng, gặp vấn đề về hệ tiêu hóa hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng là một trong những tác nhân khiến trẻ bỏ ăn hoặc trở nên kén ăn. Điều này xảy ra tương tự như ở người lớn, bởi tâm tình có tác động không nhỏ tới khẩu vị của mỗi người.
Khẩu vị ăn uống thất thường cũng nói lên phần nào tâm trạng không ổn định của trẻ. (Ảnh minh họa).
Phương pháp giải quyết: Các bậc cha mẹ nên tạo cho trẻ một bữa ăn trong không khí ấm áp, sum vầy và từ từ tìm hiểu nội tâm của con. Nếu khẩu vị của bé vẫn không có chuyển biến tốt đẹp, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện khám toàn diện cả về thể chất lẫn tâm lý.
3. Thường xuyên có thói quen quặp chân
Thích quặp chân là hội chứng rối loạn co cơ gặp phải ở một số trẻ em và thường đi kèm với những biểu hiện như căng cứng người, mắt nhìn chăm chăm về một điểm, đổ mồ hôi toàn thân…
Hội chứng rối loạn tính co cơ có yếu tố tâm lý và điều này hay xảy ra ở những trẻ nhạy cảm. Trường hợp này thường xuất hiện ở trẻ khi không khí trong gia đình quá căng thẳng, bố mẹ thường xuyên không ở bên cạnh con trẻ hoặc bé bị bạn bè bắt nạt tại lớp học…
Tương tự như cắn móng tay, cấu da tay, hành động này cũng được trẻ xem như một cách để giải tỏa tâm tình.
Cha mẹ nên chú ý tới những thói quen dù là nhỏ nhất của con trẻ để tìm hiểu nội tâm các bé. (Ảnh minh họa).
Phương pháp giải quyết: Mỗi khi con trẻ rơi vào trạng thái như vậy, cha mẹ không nên quát mắng mà cần nhẹ nhàng ôm lấy bé, sau đó cùng con tâm sự, chơi đùa, hướng sự tập trung của bé vào việc khác và giúp con dần ổn định cảm xúc.