Con người là loài cực kỳ đặc biệt trong số các sinh vật trên Trái đất. Chúng ta là loài duy nhất phát triển trí thông minh cao, biết mặc quần áo, nấu đồ ăn, phát minh ra smartphone, xe tự lái,...
Có một điều là nếu chúng ta đột nhiên tuyệt chủng, thì hậu quả môi trường mà chúng ta gây ra cũng không biến mất ngay lập tức. Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục thúc đẩy nhiều loài hướng tới khả năng chống chịu với nhiệt độ để tồn tại. Các loài chuyên chịu lạnh cũng sẽ tiếp tục đấu tranh tồn tại, có nghĩa là gấu Bắc Cực và chim cánh cụt khó có thể phát triển mạnh trong nhiều thiên niên kỷ sau khi con người biến mất.
Một đặc điểm giúp con người có khả năng xây dựng và sáng tạo linh hoạt chính là đôi bàn tay khéo léo của chúng ta. Để hoàn thành vai trò sinh thái tương tự như con người - nghĩa là xây dựng thành phố và cải thiện môi trường - một loài khác sẽ cần phải phát triển năng lực tương tự để thao tác các vật thể.
Các loài linh trưởng khác, như tinh tinh (Pan troglodytes) và bonobo (Pan paniscus), trước đây còn được gọi là tinh tinh lùn, chúng là những họ hàng gần nhất còn sống của chúng ta, đã có ngón cái đối lập mà chúng sử dụng để làm công cụ trong tự nhiên. Có thể là nếu con người tuyệt chủng, những loài này sẽ thay thế chúng ta, một tương lai "Planet of the Apes”.
Đã có tiền lệ cho kiểu thay thế đó, loài của chúng ta đã tồn tại lâu hơn những người Neanderthal thông minh trong kỷ băng hà gần nhất cách đây 40.000 năm, theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Nature. Dù vậy, có lẽ sẽ mất hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu năm tiến hóa để các loài vượn khác phát triển khả năng tạo ra và sử dụng các công cụ tinh vi giống như con người. Tổ tiên chung của loài người hiện đại và tinh tinh sống cách đây khoảng 7 triệu năm.
Nhưng bất kỳ thảm họa nào đủ mạnh để quét sạch con người cũng có khả năng tiêu diệt tinh tinh và các loài họ hàng, điều này khiến chúng ta phải tìm một ứng cử viên biết sử dụng công cụ để khác lấp đầy khoảng trống của con người: chim.
Khi loài khủng long phi điểu tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm, các loài động vật có vú đã vươn lên lấp vào khoảng trống của chúng. Nếu con người biết mất, có thể loài chim, loài khủng long duy nhất còn sống sót, sẽ thay thế vai trò của chúng ta như những động vật trên cạn thông minh và khéo léo nhất.
Một số loài chim, chẳng hạn như quạ, có trí tuệ sánh ngang với tinh tinh, theo nghiên cứu được công bố vào năm 2020 trên tạp chí Science. Và một số loài chim có thể sử dụng đôi chân và chiếc mỏ khéo léo của mình để tạo hình cái móc từ sợi dây, theo một nghiên cứu nổi tiếng năm 2002 được công bố trên tạp chí Science.
Trong khi đó, vẹt xám châu Phi (Psittacus erithacus) được huấn luyện có thể học tới 100 từ và làm các phép toán đơn giản, hiểu được cả khái niệm số học như "số không”.
Các loài chim có thể tụ tập thành đàn lớn, và một số loài, chẳng hạn như chim thợ dệt (Philetairus socialus), thậm chí xây dựng các địa điểm làm tổ chung. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Ecology and Evolution, một số tổ chim thợ dệt vẫn được sử dụng trong nhiều thập kỷ.
Nhưng có một nhóm động vật khác cực kỳ thành thạo trong việc điều khiển đồ vật bằng các chi của chúng - cả tám chi.
Bạch tuộc có lẽ là một trong những loài động vật thông minh nhất trên Trái Đất. Chúng có thể học cách phân biệt giữa các vật thể thực và ảo, theo một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên The Biological Bulletin. Chúng thậm chí có thể tự thay đổi môi trường sống của mình bằng cách loại bỏ tảo ra khỏi ổ và rào lối bằng vỏ sò. Chúng cũng là loài sống thành từng cộng đồng.
Tuy nhiên, bạch tuộc sẽ khó thích nghi với cuộc sống trên cạn. Động vật có xương sống có sắt trong tế bào máu, chất này liên kết với oxy rất hiệu quả. Ngược lại, bạch tuộc và họ hàng của chúng có các tế bào máu chứa đồng. Các phân tử này vẫn liên kết với oxy, nhưng không hiệu quả bằng, và kết quả là bạch tuộc bị giới hạn trong vùng nước bão hòa oxy thay vì không khí loãng.
Do đó, bạch tuộc và các loài họ hàng khó có khả năng chuyển lên đất liền và trở thành một loài động vật trên cạn thông minh nhất. Các nhà nghiên cứu cho rằng những loài côn trùng xã hội, như kiến và mối, có khả năng cao hơn.
Côn trùng thích nghi tốt với các loại môi trường khác nhau. Chúng đã tồn tại khoảng 480 triệu năm, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London. Trong thời gian đó, chúng đã phát triển để lấp đầy hầu hết mọi ngóc ngách có thể tưởng tượng được, từ bay, đến đào hang, đến bơi lội và thậm chí xây dựng các tòa tháp phức tạp giống như thành phố
Hành vi xã hội của các đàn kiến và mối có lẽ giống với nền văn minh con người hơn bất kỳ loài nào khác trên Trái Đất. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B vào năm 2017, kiến có thể trồng nấm trong tổ và mối có thể giao tiếp khoảng cách xa bên trong tổ bằng cách sử dụng rung động. Nếu con người tuyệt chủng, có thể những đàn côn trùng này sẽ chiếm lấy thế giới - giả sử chúng sống sót sau biến đổi khí hậu.
Tất nhiên, tất cả những điều này chỉ là giả thuyết; chúng ta hầu như không thể thực sự dự đoán được quá trình tiến hóa sẽ diễn ra như thế nào trên quy mô niên đại địa chất. Việc một loài khác thay thế con người là có thể xảy ra, nhưng phải mất hàng triệu năm chọn lọc đúng đắn. Tuy nhiên, một số nhà khoa học ít lạc quan hơn, cho rằng “thiên nhiên sẽ không mắc sai lầm đó lần thứ hai”.
Tham khảo: LiveScience