Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Anh John Locke từng nói: "Không thể nuôi dạy một đứa trẻ bằng những nguyên tắc khô khan, trẻ sẽ sớm lãng quên. Hãy hình thành cho trẻ thói quen tốt để nuôi dưỡng thành công ở tương lai. Thói quen đơn giản được lặp đi lặp lại một cách tự nhiên thường đem lại hiệu quả cao hơn".
Vì vậy, thay vì đặt ra các quy tắc cứng nhắc, cha mẹ hãy khéo léo thiết lập cho con những thói quen bình dị để con yêu thích việc học tập. Hãy giúp con xây dựng thói quen tốt, loại bỏ thói quen độc hại để sớm đạt thành tích cao. Nếu trẻ đang mắc phải 4 thói quen thiếu lành mạnh dưới đây, cha mẹ hãy kiên nhẫn giúp con sửa đổi.
1. Trẻ không thích đọc sách
Không ít phụ huynh than phiền khi thấy con bị điểm kém môn Văn. Khi được hỏi lý do, trẻ thường bày tỏ do bí ý tưởng, không biết cách diễn đạt, không xây dựng được bố cục chi tiết. Tất cả những nguyên nhân này đều xuất phát từ việc trẻ lười đọc sách nên không có vốn hiểu biết và khả năng ngôn ngữ phong phú.
Nếu con bạn lười đọc sách, hãy lên kế hoạch thay đổi ngay lập tức. (Ảnh minh họa)
Cách cha mẹ giúp con sửa đổi:
- Chọn đọc những cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại, những tác phẩm kinh điển ở trong và ngoài nước qua các thời đại, chăm chỉ đọc báo hàng ngày để tích lũy vốn ngôn từ.
- Đối chiếu giữa những bài báo với các cuốn sách để tìm ra những điều tương đồng và nét khác biệt.
- Học cách suy nghĩ độc lập, tức là đánh giá tác phẩm về mặt nội dung, tư tưởng, nghệ thuật theo góc nhìn của bản thân.
- Sau khi đọc xong mỗi tác phẩm, trẻ cần viết bài cảm thụ để khắc sâu kiến thức, tích lũy vốn ngôn từ.
2. Không có kế hoạch cụ thể
Nhiều đứa trẻ dù thức khuya học bài, đăng ký đi học thêm tại nhiều nơi nhưng điểm số vẫn không cải thiện. Tại sao lại như vậy? Phân tích dưới góc độ khoa học, đó là do trẻ không có kế hoạch học tập. Ngược lại, có nhiều trẻ không đi học thêm, dành thời gian tự học không nhiều nhưng vẫn đạt thành tích tốt. Đó là bởi trẻ có thời gian biểu rõ ràng, hợp lý. Khi học tập, những đứa trẻ đó sẽ tập trung cao độ, học ít nhưng hiệu quả cao.
Cách cha mẹ giúp con sửa đổi:
- Nắm rõ tình hình học tập của trẻ và lên kế hoạch hoàn thành rõ ràng.
- Hướng dẫn trẻ xây dựng mục tiêu học tập ngắn hạn và dài hạn. Chẳng hạn mục tiêu ngắn hạn là học thuộc 20 – 30 từ tiếng Anh mỗi ngày hay giải xong 2 đề Toán thì trẻ cần nghiêm túc thực hiện, không bỏ dở giữa chừng.
- Hướng dẫn trẻ sắp xếp thời gian, tức là trẻ cần xác định bản thân có bao nhiêu mục tiêu và sẽ hoàn thành trong thời gian bao lâu.
- Cuối cùng, cha mẹ cần đồng hành để trẻ không chán nản. Hãy thường xuyên dành cho trẻ những lời khích lệ để trẻ kiên trì thực hiện.
3. Thái độ học tập thiếu nghiêm túc
Bản tính học tập của trẻ là ham chơi, dẫn tới chểnh mảng học tập. Trẻ thường không có kế hoạch hoàn thành bài thầy cô giao, chỉ đến khi sắp đi học mới nháo nhào học và chuẩn bị bài mới. Lúc này, tâm lý trẻ rất lo sợ, trẻ thường thức khuya để hoàn thành bài được giao. Nếu việc trì hoãn thành thói quen thì không những trẻ sẽ trì hoãn trong việc học mà còn trong nhiều việc khác.
Ngoài ra, một số đứa trẻ khác có tính bất cẩn khi học. Dù là ở phép tính, bài toán đơn giản nhất, trẻ cũng có thể làm sai. Điều này không phải do trẻ không biết làm mà vì muốn làm thật nhanh, làm cho xong để được đi chơi.
Cách cha mẹ giúp con sửa đổi:
- Trong thời gian đầu, cha mẹ hãy kiểm tra bài tập của con kỹ lưỡng. Hãy soát từng phép tính, từng dấu chấm câu trong bài văn để trẻ hình thành thái độ nghiêm túc khi làm bài.
- Trong quá trình trẻ học, hãy tắt ti vi, bỏ điện thoại xuống để kiên nhẫn hướng dẫn trẻ. Như vậy, trẻ sẽ thấy sự nghiêm túc, nghiêm khắc của cha mẹ.
- Xây dựng hình thức thưởng, phạt rõ ràng để trẻ có thái độ học tập tốt hơn.
4. Không tự tin vào bản thân
Nhiều đứa trẻ có điểm thi thấp không phải do học không tốt mà vì các em thiếu niềm tin vào bản thân. Các em luôn thấy mình kém cỏi, không bằng bạn bè dẫn đến tâm lý căng thẳng, áp lực khi làm bài.
Cách cha mẹ giúp con sửa đổi:
- Động viên, khích lệ để trẻ trở nên tự tin, hứng khởi. Nhắc nhở trẻ nắm rõ, hiểu sâu kiến thức để luôn ở trong thế chủ động, tránh trạng thái mơ hồ kiến thức.
- Dạy trẻ cách giải tỏa căng thẳng, dũng cảm đối mặt với thất bại. Thất bại không có gì đáng sợ, chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học đáng quý từ đó.