Nêu chuyện quân đội Nga không bằng nửa PLA, tướng TQ cảnh báo kết cục ớn lạnh nếu dám động vào đập Tam Hiệp

Hải Võ |

Thiếu tướng Kim Nhất Nam, giáo sư chiến lược học tại Đại học quốc phòng Trung Quốc, tin rằng nước này cần có phản ứng cứng rắn trước những thách thức nhằm vào đập Tam Hiệp.

Trung Quốc thiếu răn đe chiến lược

Trong thông điệp đưa ra trong cuốn sách "Tâm thắng 3" xuất bản tháng 5/2017, ông Kim nói các học giả Mỹ và Đài Loan từng đề cập kịch bản "phá hủy đập Tam Hiệp", "nhấn chìm bao nhiêu người, bao nhiêu khu công nghiệp",... Bộ ngoại giao Trung Quốc sau đó cho biết thông tin này "chưa được chứng thực, và nếu là sự thật thì đây là thái độ rất vô trách nhiệm của phía Mỹ".

Tuy nhiên, theo ông Kim Nhất Nam, những chỉ trích như trên chưa đủ để tạo thành "sức răn đe" nhằm vào các đối thủ của Trung Quốc, đồng thời làm lộ rõ "sự thiếu răn đe [đối với nước khác] đã mang lại những đe dọa to lớn" cho Trung Quốc.

"Chiến lược an ninh quốc gia cho chúng ta gợi ý lớn nhất chính là vấn đề khả năng răn đe của đất nước," tướng Trung Quốc viết.

"Khi có người đem chuyện đập Tam Hiệp ra để đùa giỡn với chúng ta thì đó không chỉ là sự ngông cuồng của người khác, mà còn là sự thiếu hụt khả năng răn đe trong chiến lược của chúng ta."

Ông Kim nhận xét, nước Nga ngày nay có tiềm lực quốc gia và GDP không bằng 1/3 Trung Quốc, quân đội Nga không bằng 1/2 Quân giải phóng nhân dân (PLA), chi ngân sách quốc phòng chỉ bằng 1/3 Trung Quốc, song "ngày nay không có ai dám mang đập Kuybyshev của Nga ra đùa".

Nêu chuyện quân đội Nga không bằng nửa PLA, tướng TQ cảnh báo kết cục ớn lạnh nếu dám động vào đập Tam Hiệp - Ảnh 1.

Thiếu tướng Trung Quốc Kim Nhất Nam

Tướng Trung Quốc cảnh báo "họa sát thân" với những ai đe dọa đập Tam Hiệp

Đài truyền hình trung ương CCTV và Đài tiếng nói trung ương CNR của Trung Quốc đã phỏng vấn nhiều chuyên gia trong quân đội, trong khi một số lãnh đạo PLA nêu quan điểm trên mạng Internet, cho rằng bản thân công trình dự án Tam Hiệp không có vấn đề gì.

Đập Tam Hiệp được xây dựng với kết cấu bằng bê tông trọng lực, có thể chịu được đòn tấn công từ các tên lửa hạt nhân cỡ nhỏ.

Ở khu vực trước đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã thiết lập các lớp hàng rào phòng thủ, làm vô hiệu khả năng "kẻ địch" tập trung binh lực đột phá phòng tuyến, trong khi hỏa lực từ số ít các chiến đấu cơ "vượt rào" sẽ chỉ "gãi ngứa" cho công trình. Dù vậy, khả năng chống chọi này - theo tướng Kim Nhất Nam - không giúp hình thành sức mạnh răn đe của Trung Quốc.

"Đập Tam Hiệp là tài sản cốt lõi của đất nước," ông Kim viết. "Ví dụ, trong nhà tôi có vật quý, tôi cảnh cáo anh rằng nhà tôi có cửa chống trộm rất chắc chắn, anh sẽ không vào được. Nhưng liệu đây có phải là sự dũng cảm của anh không? Sự dũng cảm thể hiện ở cửa chống trộm chắc chắn ư? Đó có thể là một phần của sự dũng cảm, nhưng chắc chắn không phải là cốt lõi."

"Cốt lõi của dũng cảm là: Món đồ quý của tôi nằm trên bàn trà ở phòng khách, nhà tôi không có cửa chống trộm, nhưng anh thử động vào xem sao? Rồi anh sẽ gặp họa sát thân ngay. Nếu không gây dựng được sức răn đe như thế thì chúng ta không thể bảo vệ được lợi ích của mình một cách hiệu quả."

Chất lượng đập Tam Hiệp lại bị nghi ngờ trong mùa lũ

Trong khi mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 5 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều tỉnh thành ở miền nam Trung Quốc, đã có những ý kiến bày tỏ quan ngại về rủi ro vỡ đập có thể xảy ra với dự án Tam Hiệp.

Nhà khoa học thủy văn người Hoa Wang Weiluo, hiện sống và làm việc tại Đức, hồi tháng 6 nêu nghi vấn về sự an toàn của đập, đồng thời cảnh báo con đập này có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.

Taiwan News ngày 22/6 dẫn lời ông Wang nói rằng các công đoạn thiết kế, thi công, kiểm định chất lượng của đập Tam Hiệp được thực hiện bởi cùng một nhóm phụ trách, và sự án được hoàn thiện quá nhanh.

Theo Wang, chính thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân ngày 10/6 xác nhận mực nước tại ít nhất 148 con sông ở nước này đã dâng lên trên ngưỡng cảnh báo, cho thấy đập Tam Hiệp có tác dụng hạn chế trong việc ngăn lũ.

Ông Wang cảnh báo nếu đập Tam Hiệp "thất thủ", thảm họa sẽ xảy đến với cư dân ở vùng hạ lưu sông Dương Tử (Trường Giang), và mọi người cần sẵn sàng để sơ tán nhanh nhất có thể.

Trong khi đó, các nhà vận hành đập Tam Hiệp tuyên bố đợt mưa lũ vừa qua - bao gồm trận lũ Hồng thủy Số 1 - "không phải đặc biệt nghiêm trọng" đối với khả năng điều tiết của đập, và công trình này hoàn toàn có khả năng kiểm soát những trận lũ to lớn hơn.

Trả lời Thời báo Hoàn Cầu ngày 7/7/2019, ông Guo Xun - chuyên gia tại tại Viện Cơ học Công trình thuộc Cục Động đất Trung Quốc, tái khẳng định đập Tam hiệp là một dự án "tuyệt đối an toàn, có thể tồn tại đến 1.000 năm".

"Ngoại trừ trọng lực của Trái đất, không một sức mạnh bên ngoài nào - kể cả lũ lụt hay động đất - có thể làm đập biến dạng," Guo nói, như một cách khẳng định chỉ có lực cơ bản nguyên thủy của tự nhiên - trọng lực - mới có đủ khả năng ảnh hưởng đến kết cấu công trình.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại